14:35 05/02/2009

Xuất khẩu lao động: Đóng cửa thị trường Malaysia?

Quỳnh Lam

Thông tin Malaysia vừa ban hành lệnh cấm các doanh nghiệp thuê mới lao động nước ngoài khiến nhiều người quan tâm

Một người lao động nhập cư chụp ảnh lưu niệm cho bạn, phía trước tòa tháp đôi Petronas tại Kuala Lumpur (Malaysia) - Ảnh: AP.
Một người lao động nhập cư chụp ảnh lưu niệm cho bạn, phía trước tòa tháp đôi Petronas tại Kuala Lumpur (Malaysia) - Ảnh: AP.
Thông tin Malaysia vừa ban hành lệnh cấm các doanh nghiệp thuê mới lao động nước ngoài khiến nhiều người quan tâm.

Không ít người tỏ ra nghi ngờ trước thông tin về thị trường “vàng” một thời của ngành xuất khẩu lao động Việt Nam chính thức cấm nhập khẩu lao động nước ngoài. Lý do họ đưa ra là chính sách này đã được đề cập đến rất nhiều và trên thực tế, Malaysia là nước quá phụ thuộc vào lao động nhập cư.

Có ngoại lệ

Hãng truyền thông BBC hôm 22/1 cho biết, Chính phủ Malaysia đã chính thức ban hành lệnh cấm các doanh nghiệp tuyển̉ dụng mới nhân công nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp Malaysia cũng nhận được khuyến cáo rằng nếu họ có kế hoạch sa thải công nhân thì trước hết người ra đi phải là công nhân nước ngoài.

Tờ New Straits Times (Singapore) cũng dẫn lời phát biểu của ông Syed Hamid Albar, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia về tình hình lao động  nước này. Ông Syed Hamid cho biết, bản tường trình mới nhất của Bộ Nhân sự Malaysia cho hay đã có 13 nghìn công nhân mất việc trong quý 4 năm ngoái và hơn 75% số đó là người Malaysia.

Bộ Nhân sự Malaysia cũng đưa ra dự báo sẽ có khoảng 45 nghìn người có thể mất việc vào cuối tháng này, bởi vậy các doanh nghiệp không thể tiếp tục mướn người nước ngoài được nữa. Chính sách này được đưa ra nhằm bảo vệ các công dân nước mình khỏi bị thất nghiệp giữa lúc nền kinh tế đang xuống dốc.

Theo thông tin từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, cho đến thời điểm này, Chính phủ Malaysia chưa có văn bản chính thức nào về việc tạm ngừng tuyển lao động nước ngoài gửi cho đại sứ quán các nước, tuy nhiên thông tin bước đầu mà cơ quan này có được là Malaysia sẽ tạm dừng nhận mới lao động nước ngoài một thời gian trong hai ngành là sản xuất và dịch vụ.

Đối với những lao động nước ngoài đang làm việc tại đây, sẽ được phép ở lại làm việc cho đến khi hết hạn hợp đồng, bị đuổi việc hoặc tự ý bỏ hợp đồng. Đặc biệt, những người làm việc trong các ngành đòi hỏi tay nghề chuyên môn cao có thể được xem như ngoại lệ.

Trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh xã hội Nguyến Thanh Hòa cho rằng, tình hình suy giảm kinh tế diễn ra chung trên toàn thế giới, kéo theo sự thu giảm sản xuất, cắt giảm, thậm chí ngừng tuyển lao động là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ông nói tất cả chỉ là tạm thời, khi tình hình kinh tế được cải thiện, chỉ số thất nghiệp của các nước lạc quan hơn, chắc chắn họ lại tiếp tục tiếp nhận lao động nước ngoài.

Vẫn ảnh hưởng lớn

Mặc dù quyết định ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài của Chính phủ Malaysia chưa “về” tới Việt Nam, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, chính sách này sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác xuất khẩu lao động trong nước.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần và Dịch vụ thương mại Hàng không (AIRSECO) cho rằng, sản xuất và dịch vụ là hai ngành thu hút nhiều lao động nhập cư nhất tại Malaysia, đây cũng là những ngành chiếm đại đa số lao động Việt Nam.

Hơn một năm trở lại đây, lao động không còn  “mặn mà” với thị trường Malaysia, số lượng lao động sang làm việc tại đây sụt giảm đáng kể, tuy nhiên, năm 2008, cả nước cũng đã giải quyết được việc làm cho hơn 7 nghìn lao động tại thị trường này. Hiện ở Malaysia có hơn 120 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc, con số không hề nhỏ.

“Phải dừng xuất khẩu lao động đối với một thị trường mà điều kiện tiếp nhận lao động khá dễ dàng, chi phí lao động phải bỏ ra ban đầu thấp, doanh nghiệp không mất nhiều thời gian tìm kiếm hợp đồng cũng là điều rất đáng tiếc”, ông Vui nói.

Nhìn nhận vấn đề từ phía nhà nước, một cán bộ Hiệp hội Xuất khẩu lao động khẳng định, khi quyết định từ phía Chính phủ Malaysia có hiệu lực, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách, mục tiêu đưa lao động của 61 huyện nghèo đi xuất khẩu của Việt Nam.

Theo vị này, những thị trường được nhắm đến của chính sách này chính là thị trường bình dân, không đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng tay nghề, chi phí vừa phải như Trung Đông và Malaysia

Đấy là chưa nói tới việc giảm lao động xuất khẩu sẽ tác động tới các chỉ số khác như thất nghiệp gia tăng, tình hình giải quyết việc làm trong nước thêm khó khăn...

Về phía doanh nghiệp, cán bộ tạo nguồn của một doanh nghiệp đang khai thác thị trường Malaysia cho rằng, chính sách ngừng tuyển lao động của  Malaysia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ít nhất hơn 100 doanh  nghiệp đang khai thác thị trường này.

Cụ thể, doanh nghiệp đã mất không ít thời gian để tìm kiếm đơn hàng, ký hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác.Ngoài ra, số lao động mà các doanh nghiệp đã tuyển, đào tạo cho thị trường Malaysia đang chờ bay hiện cũng không phải là ít.