Xung đột Nga-Ukraine có thể “đốn gục” kinh tế châu Âu
Châu Âu hiện nay thậm chí đang đối mặt với một rủi ro còn tồi tệ hơn cả “stagflation”...
“Stagflation” – tình trạng tăng trưởng kinh tế trì trệ kết hợp với lạm phát cao – đang là một chủ đề nóng trong cuộc tranh luận của giới chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu. Nhưng với châu Âu, mọi chuyện thậm chí còn có thể tồi tệ hơn.
Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga sau khi nước này tấn công Ukraine đã đẩy giá năng lượng toàn cầu tăng vọt và niềm tin của người tiêu dùng châu Âu lao dốc. Mối liên kết giữa Nga với thị trường tài chính phương Tây đã bị gián đoạn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế châu Âu vì thế sẽ hứng chịu tổn thất lớn.
Một báo cáo mới đây của ngân hàng Barclays đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone trong năm nay còn 2,4%, giảm 1,7 điểm phần trăm so với trước đó. Tiêu dùng của khu vực tư nhân, đầu tư và xuất khẩu, tất cả đều được dự báo sẽ sụt tốc trên toàn bộ châu lục.
Ngoài ra, giá dầu thô và khí đốt đang leo thang từng ngày, cùng với giá của những hàng hoá cơ bản quan trọng như lúa mỳ và kim loại. Tình trạng này khiến Barclays nâng dự báo lạm phát ở Eurozone trong năm nay lên 5,6%, cao hơn 1,9 điểm phần trăm so với trước đó.
Nói cách khác, xung đột vũ trang Nga-Ukraine đang mở đường cho “stagflation” – một thời kỳ với lạm phát tăng nóng và tăng trưởng kinh tế nguội lạnh. Một trường hợp điển hình của “stagflation” trong lịch sử là vào những năm 1970, khi cú sốc nguồn cung năng lượng toàn cầu “đốn gục” các phát triển trên thế giới.
“Stagflation” là “cơn ác mộng” của các nhà hoạch định chính sách, vì khi phải đối mặt với tình trạng như vậy, nếu họ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng thì lại đồng nghĩa với “tiếp lửa” cho lạm phát, còn nếu họ ra sức chống lạm phát thì tăng trưởng chắc chắn sẽ tổn thất.
Ở Mỹ hồi thập niên 1970, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi đó là ông Paul Volcker cuối cùng đã buộc phải tăng lãi suất lên mức kỷ lục để khống chế lạm phát.
Châu Âu hiện nay thậm chí đang đối mặt với một rủi ro còn tồi tệ hơn cả “stagflation”. Đó là khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế và lạm phát ngoài tầm kiểm soát. Dù đã mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu, Barclays nói rằng nền kinh tế có thể rơi vào một tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với dự báo. Nhà băng này cảnh báo tình hình của châu Âu hiện nay rất bất định.
Vậy đâu là kịch bản xấu nhất cho kinh tế châu Âu?
Theo nhận định của công ty nghiên cứu Capital Economics, nếu Mỹ và EU cùng cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga, giá dầu Brent sẽ tăng lệ mức 160 USD/thùng và nền kinh tế Eurozone sẽ có cuộc suy thoái thứ ba kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.
“Một sự sụp đổ của thương mại năng lượng với Nga sẽ đồng nghĩa với việc nhiều nơi ở châu Âu phải chuyển sang chế độ phân phối năng lượng. Khi đó, các chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy, và áp lực lạm phát toàn cầu sẽ càng tăng cao hơn”, chuyên gia kinh tế Caroline Bain của Capital Economics phát biểu. “Giá năng lượng cao hơn cũng đẩy cao thêm giá của các loại nông sản và kim loại công nghiệp”.
Nga – quốc gia mà xuất khẩu năng lượng giữ vai trò là nguồn thu ngân sách chủ chốt – đã cảnh báo phương Tây về những hậu quả tồi tệ nếu ngừng mua dầu thô và khí đốt của Nga. “Chắc chắn là việc từ chối dầu Nga sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc cho thị trường toàn cầu”, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu trên truyền hình quốc gia Nga vào hôm thứ Hai tuần này.
“Không ai dám chắc là giá dầu sẽ tăng đến đâu. Giá dầu có thể lên tới 300 USD/thùng, thậm chí là hơn”, ông Novak – người cũng giữ vai trò Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga – nói.
Mỹ ngày 8/3 đã tuyên bố cấm nhập khẩu các loại năng lượng hoá thạch, trong đó có dầu thô và khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, các quan chức EU trong tuần này đã làm rõ lập trường rằng họ chưa thể tham gia cùng với Mỹ trong một biện pháp trừng phạt như vậy nhằm vào Nga. Đơn giản là vì nếu châu Âu không nhập năng lượng từ Nga nữa, thì các hộ gia đình và doanh nghiệp trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng hiện nay đang đặt các ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vào thế khó. Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của ECB sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm tuần này.
“Chúng tôi cho rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến ECB phải trì hoãn việc tiến tới thắt chặt, thậm chí phải nới lỏng chinhs ách hơn nữa, vì ECB sẽ làm bất kỳ việc gì cần thiết, và chấp nhận bất kỳ cái giá nào, để ngăn cuộc chiến này dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính”, Barclays nhận định.
Điều đó có nghĩa là ECB có thể sẽ không nâng lãi suất trước tháng 3/2022 và chưa vội đưa ra bất kỳ cam kết nào về kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE). Barclays cũng cho rằng ECB sẽ để ngỏ mọi lựa chọn nhằm duy trì sự ổn định của nền kinh tế và thị trường tài chính.