13:35 30/12/2021

5 nước và vùng lãnh thổ đồng ý nối lại đường bay đến Việt Nam trước “giờ G”

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải cho biết, 5 nước và vùng lãnh thổ “gật đầu” với kế hoạch nối lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ của Việt Nam. Bộ cũng đề xuất tăng tần suất đối với một số thị trường có dung lượng lớn và mở rộng thị trường tới châu Âu và Úc...

Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay quốc tế thường lệ đi/đến Nhật Bản từ 5/1/2022.
Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay quốc tế thường lệ đi/đến Nhật Bản từ 5/1/2022.

Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi Bộ Y tế ban hành văn bản số 10688 ngày 16/12 hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam gửi thư ngay trong ngày 17/12 tới nhà chức trách hàng không tại các nước và vùng lãnh thổ đề nghị thống nhất kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đã được phê duyệt.

5 QUỐC GIA, VÙNG LÃNH THỔ “GẬT ĐẦU” NỐI LẠI ĐƯỜNG BAY QUỐC TẾ

Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay có 5 nước và vùng lãnh thổ gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia và Đài Loan (Trung Quốc) cơ bản thống nhất với kế hoạch nối lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ của Việt Nam.

Cụ thể, phía Nhật Bản đồng ý với đề nghị của Việt Nam, chỉ định Japan Airlines và All Nippons Airways khai thác. Theo phép bay được cấp, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines là ngày 05/01/2022, Vietjet Air và All Nippons Airways là 06/01/2022. Các chuyến bay từ Nhật Bản chưa thể triển khai sớm do các cơ quan nghỉ lễ đầu năm mới, hành khách chưa thể thực hiện xét nghiệm Covid-19.

Về phía Đài Bắc (Trung Quốc) đồng ý nối lại chuyến bay nhưng đề nghị tăng tần suất cho mỗi bên lên tối thiểu 05 chuyến/tuần.

Về phía Singapore, đồng ý đề nghị từ phía Việt Nam và sẽ thông báo việc phân bổ tải cho hãng hàng không Singapore sau...

Trong khi đó, nhà chức trách hàng không Thái Lan hiện đang tiếp tục trao đổi với Cục Hàng không Việt Nam về kế hoạch bay cụ thể. Còn lại, Hàn Quốc, Lào và Trung Quốc chưa phản hồi thông tin.

Hiện tất cả các thị trường kết nối hàng không với Việt Nam trong giai đoạn thí điểm đều xuất hiện ca mắc biến chủng Omicron. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục đàm phán với các đối tác để bổ sung quy định về test nhanh trước khi lên tàu bay. 

“Tại các cảng hàng không một số nước như Nhật Bản và Hoa Kỳ hiện có hoạt động test trực tiếp tại sân bay”, Bộ Giao thông vận tải cho hay.

 

Theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Bộ Ngoại giao tại công văn số 5524 ngày 23/12, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài còn rất lớn, ước tính hơn 140 nghìn người. Nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách, tránh bức xúc xảy ra do tải cung ứng chuyến bay thương mại thường lệ quá hạn chế, các hãng hàng không cho rằng cần bổ sung thêm tần suất đối với một số thị trường có dung lượng lớn.

Đáng lưu ý, theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Bộ Ngoại giao tại công văn số 5524 ngày 23/12, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài còn rất lớn, ước tính hơn 140 nghìn người.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách, tránh bức xúc có thể xảy ra do tải cung ứng chuyến bay thương mại thường lệ quá hạn chế, các hãng hàng không đều đánh giá cần bổ sung thêm tần suất đối với một số thị trường có dung lượng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để hành khách có thêm cơ hội lựa chọn các mức giá hợp lý hơn.

Trong khi đó, nhiều thị trường không khai thác hết lượng phân bổ như Hoa Kỳ, Campuchia, Lào, việc sử dụng một phần lượng tải không sử dụng các thị trường này để dành cho các thị trường có nhu cầu thực sự của công dân cũng như đáp ứng đề xuất của đối tác.

“Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như hoạt động khai thác của các hãng hàng không, đại diện Tổ 5 Bộ thống nhất sự cần thiết tăng tần suất chuyến bay đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) lên 7 chuyến/tuần/chiều mỗi bên, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Về đề nghị của các hãng hàng không cho phép mở khai thác chuyến bay thường lệ đi châu Âu và Úc, Tổ 5 Bộ cho rằng, công dân Việt Nam tại các nước châu Âu và Úc hiện cũng rất mong muốn có chuyến bay thẳng để về Việt Nam nhân dịp Tết.

Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Thủ tướng cho phép mở rộng thị trường áp dụng giai đoạn thí điểm tới châu Âu và Úc để đáp ứng nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp Tết Nguyên đán.

 HÀ NỘI, TP. HỒ CHÍ MINH DỰNG “RÀO CẢN” RIÊNG

Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh ban hành kèm theo văn bản số 10688 của Bộ Y tế, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay, các địa phương thực hiện chưa thống nhất và chưa phù hợp với thông lệ quy trình thủ tục hàng không quốc tế, có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội yêu cầu: “Đối với chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron, bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trước đó”.

Tuy nhiên, lại chưa có bất kỳ phương án nào liên quan đến việc triển khai cách ly như địa điểm, quy trình tiếp nhận cách ly.

 

“Một trong những yếu tố quan trọng đối với việc nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ quốc tế là phải dỡ bỏ quy định cách ly tập trung đối với hành khách nhập cảnh. Vì vậy, quy định bắt buộc cách ly tập trung như trên sẽ là rào cản kỹ thuật làm cho việc thực hiện các chuyến bay thường lệ quốc tế không khả thi”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đề nghị cảng vụ hàng không yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách người nhập cảnh theo từng chuyến bay cho CDC ít nhất 24 giờ trước khi nhập cảnh, có đủ thông tin địa chỉ nơi lưu trú, cư trú tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện nay hành khách nhập cảnh phải thực hiện khai báo điện tử tại các ứng dụng PC-COVID và IGOVN, bao gồm cả thông tin cư lưu trú sau nhập cảnh.

Các hãng hàng không cũng được yêu cầu và hướng dẫn kiểm tra đầy đủ các loại giấy tờ khi hành khách làm thủ tục theo yêu của Bộ Y tế. Vì vậy, yêu cầu của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ gây khó khăn và không khả thi trong việc triển khai kế hoạch khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ.

Do vậy, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị, để đảm bảo việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần tuân thủ triển khai thống nhất hướng dẫn của Bộ Y tế, không có quy định hoặc các hướng dẫn khác.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp thống nhất triển khai biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thực hiện y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay thương mại quốc tế chở khách thường lệ về địa phương mình theo quy định, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.