14:20 31/01/2023

60% doanh nghiệp niêm yết đã công bố lợi nhuận giảm trong Quý 4/2022

Thu Minh

Số lượng doanh nghiệp ghi nhận giảm về lợi nhuận tính tới 30/1/2023 tiếp tục chiếm tỷ lệ áp đảo, khoảng 60%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 42% trong Q3/2022...

Tính đến ngày 30/1/2022, 753/1609 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết chiếm gần 74% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM đã công bố kết quả kinh doanh cho quý 4/2022, với tổng lợi nhuận sau thuế giảm -27,3% so với cùng kỳ, thống kê mới nhất từ FiinTrade. 

Lượng doanh nghiệp ghi nhận giảm về lợi nhuận trong lần cập nhật này tiếp tục chiếm tỷ lệ áp đảo, khoảng 60%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 42% trong Q3/2022. Môi trường lãi suất cao và cầu tiêu dùng trong và ngoài nước suy giảm đang là hai yếu tố chính kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.

Với nhóm Ngân hàng, đãcó 21/27 ngân hàng niêm yết chiếm 89% vốn hóa của ngành công bố báo cáo tài chính Q4/2022 với lợi nhuận sau thuế duy trì tăng so với cùng kỳ tăng 23,7% nhưng giảm -3,9% so với quý 3 liền trước.

Một số ngân hàng có tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp/tổng dư nợ tín dụng ở mức cao như TCB, VPB và TPB ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm đáng kể so với quý 3, chủ yếu do tỷ lệ NIM giảm sâu khi chi phí vốn đầu vào tăng cao và áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng.

Ngược lại, ba ngân hàng quốc doanh gồm VCB, CTG và BID giảm trích lập dự phòng trong quý 4/2022 sau khi “mạnh tay” trích lập vào các quý liền trước và nhờ đó, VCB và CTG cùng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng cao so với cùng kỳ cũng như so với quý 3/2022. Riêng với BID, lợi nhuận sau thuế Q4/2022 tăng 85,6%, nhưng giảm -20,4% do khoản chi về lương và phụ cấp tăng mạnh.

Đối với khối doanh nghiệp, đã có 711/1518 doanh nghiệp niêm yết chiếm 68,8% vốn hóa của khối Phi tài chính giảm -52,2% trên nền doanh thu tăng thấp +4,6% và biên EBIT thu hẹp (-3,2 điểm %).

Chỉ có 5/16 ngành cấp 2 theo chuẩn phân ngành ICB ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng, bao gồm Hàng dịch vụ công nghiệp (ACV), Tiện ích (chủ yếu nhờ GAS), CNTT (FPT) và Y tế (DHG, DBD).

Ở chiều ngược lại, có tới 11 ngành chứng kiến lợi nhuận sau thuế giảm, chủ yếu là các ngành hàng đang vào chu kỳ đi xuống như Bất động sản, Tài nguyên cơ bản (HPG) và Hóa chất (DGC, DPM, AAA).

Bất động sản nhà ở cũng không nằm ngoài dự đoán khi lợi nhuận sau thuế nhóm này giảm sâu so với cùng kỳ với mức giảm 41% trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng sau một loạt các biện pháp kiểm soát tín dụng bao gồm trái phiếu doanh nghiệp vào các lĩnh vực rủi ro cao trong đó có bất động sản bên cạnh các nút thắt về pháp lý đối với dự án bất động sản.

Tốc độ bán hàng chững lại với khoản mục người mua trả tiền trước trên bảng cân đối kế toán ở hầu hết các doanh nghiệp bất động sản không có nhiều biến động so với các kỳ trước đây. Trong khi đó, áp lực thanh toán nợ vay gia tăng với hệ số Nợ vay (ròng)/EBITDA ở mức 2,0x trong Q4/2022, tăng gấp 3 lần so với Q4/2021.

60% doanh nghiệp niêm yết đã công bố lợi nhuận giảm trong Quý 4/2022 - Ảnh 1

Lợi nhuận năm 2023 được FiinGroup dự báo tăng chậm lại ở ngành Ngân hàng vốn đóng góp 42% tổng lợi nhuận sau thuế và 30% tổng vốn hóa toàn thị trường, và suy giảm ở hầu hết các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như Bất động sản, Tài nguyên cơ bản (Thép), Hóa chất vì (i) chi phí vốn tăng cao, (ii) cầu tiêu dùng trong nước và thế giới suy giảm do môi trường lãi suất cao, và (ii) nghẽn “dòng tiền” trong nền kinh tế.

Môi trường lãi suất cao là điểm trừ đối với triển vọng các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, trong đó có Hàng cá nhân (PNJ). PNJ dự kiến gặp khó trong nửa đầu năm 2023 do môi trường lãi suất cao và cầu tiêu dùng chững lại. Trên thực tế, doanh thu tháng 11/2022 của PNJ giảm -15,7% so với tháng 10

Rủi ro suy giảm mạnh ở các ngành hưởng lợi đứt gãy chuỗi cung ứng như Hóa chất, Phân bón, Thủy sản và Logistics ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng cao hơn so với mặt bằng chung trong 9T2022, nhưng tốc độ tăng trưởng quý 3 đã chậm lại đáng kể so với nửa đầu năm.

Rủi ro suy thoái ở các nền kinh tế lớn khiến lượng đơn đặt hàng giảm mạnh, kéo giá hàng hóa tiếp tục đi xuống sẽ là trở ngại cho tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm ngành này trong các quý tới.

Ngược lại, tăng trưởng được dự báo duy trì ở những nhóm ngành mang tính phòng thủ và quy mô vốn hóa nhỏ như Điện, Nước, Dược phẩm, Công nghệ thông tin.