An Giang đẩy mạnh tín dụng chính sách phục vụ người dân
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang đã dồn lực tập trung giải ngân kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng....
Đáng chú ý, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang đã đẩy mạnh huy động vốn và tranh thủ nguồn vốn ủy thách từ ngân sách trung ương và địa phương để dồn lực tập trung giải ngân các chương trình cho vay các đối tượng chính sách khác, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng.
HIỆU QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Đến ngày 31/8/2023, tổng nguồn vốn đạt 4.461,14 tỷ đồng, tăng 327,33 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng 7,92%, trong đó, vốn huy động từ tiền gửi tổ chức, cá nhân đạt 162,08 tỷ đồng, tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đạt 432,85 tỷ đồng, tăng 55,69 tỷ đồng so với năm 2022, tăng 14,76% so với năm 2022. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là 295,16 tỷ đồng; tăng 49,53 tỷ đồng đạt 165,1% kế hoạch giao năm 2023.
Có được nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngay từ những ngày đầu năm 2023. Tăng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đạt tổng doanh số cho vay đạt 811,88 tỷ đồng, với 23.065 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; so với cùng kỳ năm 2022, doanh số cho vay giảm 3,01 tỷ đồng (-0,37%).
Tổng doanh số thu nợ trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 484,55 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2022, doanh số thu nợ giảm 49,49 tỷ đồng (-9,27%). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 4.454,69 tỷ đồng, tăng 324,11 tỷ đồng (+7,85%) so với cuối năm 2022, với 150.960 hộ còn dư nợ. Dư nợ nguồn vốn trung ương đạt 4.172,70 tỷ đồng, tăng 272,64 tỷ đồng so với cuối năm 2022; Dư nợ nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 281,99 tỷ đồng, tăng 51,47 tỷ đồng so với năm 2022.
Về dư nợ cho vay, theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 183,941 tỷ đồng với 3.990 lượt khách hàng được vay vốn, trong đó: (i) chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến dư nợ đạt 4,958 tỷ đồng để mua 401 máy vi tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; (ii) chương trình cho vay nhà ở xã hội dư nợ đạt 31,31 tỷ đồng với 143 lượt khách hàng vay vốn; (iii) chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm đạt 139,998 tỷ đồng, với 3.307 khách hàng được vay vốn tạo việc làm; (iv) chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 0,629 tỷ đồng, với 11 khách hàng vay vốn; (v) chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 7,046 tỷ đồng với 128 khách hàng vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng, đảm bảo mục đích, yêu cầu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang đã phối hợp Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, Hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương và các ngành liên quan tiến hành thẩm tra đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan đợt 1, đợt 2 năm 2023 của khách hàng vay vốn, đề nghị cấp thẩm quyền xem xét 4.654 món vay, số tiền 60.626 triệu đồng, trong đó tiền gốc là 50.898 triệu đồng, lãi là 9.728 triệu đồng
GIẢI PHÁP NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI
Nhằm vượt qua khó khăn trong bối cảnh thách thức chung của nền kinh tế để đạt kế hoạch được giao, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm.
Một là, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; văn bản số 258-CV/TU ngày 23/9/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 04/5/2022 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1630/QĐ-TTg.
Hai là, tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình tín dụng chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao năm 2023 đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; đặc biệt đối với chương trình cho vay Nhà ở xã hội; Nâng mức cho vay các chương trình, đảm bảo đầu tư vốn hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; từng bước nâng mức dư nợ bình quân/hộ.
Ba là, chủ động thường xuyên rà soát đối với hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú để kịp thời có giải pháp quản lý và xử lý nợ.
Bốn là, kiểm tra hồ sơ và đối tượng đề nghị xử lý nợ rủi ro đợt 2 năm 2023. Rà soát các khoản nợ khoanh hết hạn nguồn vốn địa phương, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh xử lý nợ bị rủi ro kịp thời.
Năm là, tiếp tục rà soát nhu cầu vốn đối với chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc là, duy trì và mở rộng việc làm để tham mưu chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh năm 2024 và năm 2025.
Sáu là, tập trung thực hiện nâng chất hoạt động tín dụng cấp xã; tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn và phấn đấu đến cuối năm 2023 không còn xã xếp loại Trung bình và Tổ yếu kém.
Bảy là, tiếp tục phối hợp Ban dân tộc, chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức thực hiện Quyết định Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Tám là, tham mưu lãnh đạo đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp xử lý các vướng mắc, tồn đọng chương trình nhà trả chậm trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ; Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh trình sửa đổi Nghị quyết số 17/NQ-HĐND về cho vay xuất khẩu lao động theo hướng cho vay 100% chi phí đi lao động ở nước ngoài.