20:32 18/04/2022

Áp lực lạm phát có khiến chính sách tiền tệ nới lỏng bị đảo ngược?

Các chuyên gia cho rằng, không có lý do gì để Ngân hàng Nhà nước đảo ngược mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, dù áp lực lạm phát do chi phí đẩy tăng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kể từ giữa năm 2020, sau cú sốc bùng phát dịch Covid-19, kinh tế thế giới đã chứng kiến một xu hướng lạm phát liên tục gia tăng. Với nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam khó tránh khỏi xu thế chung của toàn cầu. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn cho rằng, áp lực lạm phát tại Việt Nam khó đảo ngược mục tiêu chính sách tiền tệ.

CÓ THỂ "GHÌM" LẠM PHÁT QUANH 4%

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng UOB nhìn nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro lạm phát. Bởi lẽ, chi phí nhiên liệu trong nước tăng nhanh do giá dầu thô toàn cầu tăng trước xung đột quân sự Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga.

“Với sự khởi sắc trong các hoạt động kinh doanh, nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng sẽ tăng song song với việc tăng giá toàn cầu, các cân đối bên ngoài, lạm phát Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bất lợi”, UOB nhận định.

 

Trong năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 15,8 tỷ USD sản phẩm năng lượng (bao gồm than, dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt), chiếm khoảng 4,8% trong tổng giá trị nhập khẩu 331,2 tỷ USD trong năm. Từ đầu năm đến tháng 2 năm 2022, giá trị nhập khẩu năng lượng đã tăng lên 2,19 tỷ USD, tương đương 5,2% giá trị nhập khẩu 42,14 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 4,8% của giai đoạn 2020-2021.

Cùng quan điểm, HSBC đánh giá, Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao, không ngừng tác động lên giá cả cả tiêu dùng. Trong đó, lạm phát toàn phần tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước khiến mức tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 2,4%.

Thực tế, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tăng 7 lần liên tiếp kể từ đầu tháng 12/2021, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022. Để ứng phó với tình hình này, các cơ quan chức năng đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu từ 1/4 tới cuối năm 2022.

“Trước tình hình giá dầu thế giới tăng cao và xu hướng còn kéo dài thêm một thời gian nữa, chúng tôi điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam lên mức 3,7%”, nhóm nghiên cứu tại HSBC đưa ra dự báo.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, về giá xăng dầu thế giới, dự báo mức đỉnh là 140 USD/thùng và không tăng thêm bởi nhiều lực cản như: nhu cầu giảm khi mùa đông qua, xung đột Nga - Ukraine đã dịu lại, hành động quyết liệt của các nước OPEC trong việc gia tăng sản lượng.

Đối với an ninh năng lượng, Việt Nam có một lượng xăng dầu trong nước để cung ra thị trường để hạn chế bớt được tác động từ bên ngoài. Mặc dù nhà máy Nghi Sơn, chiếm 25% lượng cung xăng dầu cả nước gặp trục trặc nhưng Chính phủ cũng đã có kế hoạch để giải quyết.

Biểu đồ chỉ số giá tiêu dùng tại Việt Nam
Biểu đồ chỉ số giá tiêu dùng tại Việt Nam

Bên cạnh các yếu tố tiêu cực, vị chuyên gia cho rằng tình hình lạm phát không quá nghiêm trọng bởi có nhiều yếu tố tích cực. Trong đó, lạm phát chi phí đẩy được giảm nhẹ bởi Việt Nam dù nhập khẩu lạm phát nhưng cũng xuất khẩu chính lạm phát đó ra bên ngoài thông qua xuất khẩu hàng điện tử, dệt may… Còn giá lương thực, thực phẩm tăng cũng không đáng lo bởi Việt Nam kiểm soát được các yếu tố căn bản.

Thêm vào đó, việc kiểm soát cung tiền cũng được Ngân hàng Nhà nước triển khai tốt những năm qua, giúp lạm phát chi phí đẩy có thể được khống chế nhanh và không bị kích hoạt tăng lên bởi lạm phát cầu kéo.

“Nếu Chính phủ điều hành và truyền thông tốt yếu tố tâm lý, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8% - 3,9%”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

ĐỦ ĐIỀU KIỆN DUY TRÌ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ NỚI LỎNG

Theo Công ty Chứng khoán VnDirect, áp lực lạm phát khó có thể đảo ngược chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ít nhất là trong 3-6 tháng tới. Kỳ vọng này được nhóm nghiên cứu đưa ra bởi 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần 4%.

Thứ hai, sức cầu trong nước vẫn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức bình thường trước đại dịch.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Mặc dù không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm thêm các lãi suất chính sách chủ chốt của mình, nhưng VnDirect cũng tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không nâng lãi suất này điều hành trong vòng 3-6 tháng tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

''Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ thị trường thông qua hoạt động thị trường mở, chẳng hạn như bơm thanh khoản tiền đồng, mua vào ngoại hối hay nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại'', VnDirect cho hay.

 

Tính từ đầu năm đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%, cao gấp 2,3 lần năm ngoái.

Mục tiêu tăng tín dụng năm 2022 là 14% nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đánh giá các mục tiêu chính sách tiền tệ để có điều chỉnh vào cuối năm cho phù hợp với diễn biến thực của nền kinh tế vĩ mô.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Chia sẻ tại một tọa đàm gần đây do VnEconomy tổ chức, ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm tới việc điều hành các chỉ tiêu tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Trong đó, mức hợp lý ở đây tức là lạm phát không chỉ đạt mục tiêu trong năm nay, mà còn không tạo áp lực cho năm sau.

Chi tiết hơn, ở yếu tố tăng trưởng tín dụng, cách đây hơn chục năm thì rất cao, nhưng thời gian qua luôn được đặt ra ở mức phù hợp với thị trường. Đồng thời, tín dụng cũng được hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Tương tự, thanh khoản luôn được duy trì dồi dào vừa phải, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Hay như, tỷ giá luôn được giữ ổn định, bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước hiểu rằng, trong bối cảnh lạm phát thì tỷ giá có vai trò rất quan trọng để hạn chế sức ảnh hưởng từ việc giá cả hàng hoá thế giới đang tăng nhanh.

Với việc điều hành đồng bộ như vậy, có thể thấy diễn biến lạm phát trong thời gian qua luôn được kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu. Trong đó lạm phát toàn phần CPI đều là dưới 4%. Đối với lạm phát cơ bản, dao động trong 0,8-2%, mức hợp lý đối với Việt Nam.

"Đây là yếu tố hết sức quan trọng và hỗ trợ trong việc ổn định được nền kinh tế vĩ mô, và kỳ vọng kiểm soát lạm phát đề ra", ông Long nhìn nhận.

 

Hiện tại, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện gói cấp bù lãi suất với quy mô 3.000 tỷ đồng. Cơ quan này đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch mở rộng quy mô gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp lên 40.000 tỷ đồng, tập trung vào một số đối tượng ưu tiên, bao gồm: (i) doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) doanh nghiệp tham gia một số của các dự án trọng điểm quốc gia; (iii) kinh doanh trong một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải).