Ba giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì hoạt động
Người lao động vẫn còn gặp khó khăn khinhiều doanh nghiệp dự kiến tiếp tục giảm lao động trong nửa cuối năm 2023, tỷ lệ lao động không có việc làm lên đến 31% tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước…
Báo cáo Kết quả khảo sát tình hình người lao động và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy, thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây.
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CÒN NHIỀU THÁCH THỨC LỚN
Theo Báo cáo, trong tổng số 8.343 người lao động tham gia khảo sát trên cả nước, có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm so với trong bối cảnh Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021), nhưng vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Xét theo ngành kinh tế chính, các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. Trong đó, các tỉnh, thành phố lớn như: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.
Về nguyên nhân không có việc làm của người lao động, báo cáo chỉ ra rằng có 32,4% người lao động không có việc cho biết rằng họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh. Trong khi đó, có 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng.
Cũng theo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp mới đây của Ban IV, trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71,3% doanh nghiệp dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên.
“Xu hướng số lượng người lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp không những không giảm đi mà tăng lên diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023 và dự báo còn tiếp diễn trong các quý còn lại của năm 2023”, báo cáo cho biết thêm.
Liên quan đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, có 14% người lao động tham gia khảo sát đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân là do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc, trong khi 14% lại là vì lý do lo lắng vào sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội. Khi được hỏi về khả năng đóng lại bảo hiểm xã hội, 48% số lao động từng rút bảo hiểm xã hội cho biết không muốn đóng lại.
Về nhu cầu nhà ở, tính chung cho cả nước, 57% người lao động tham gia khảo sát muốn mua nhà, trong đó tỷ lệ người lao động muốn mua nhà ở xã hội là 28% và mua nhà không thuộc diện nhà ở xã hội là 29%.
Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn khi mua nhà ở xã hội và điều kiện để được mua nhà ở xã hội hiện là rào cản lớnnhất với 39% người lao động tham gia khảo sát có cùng nhận định này. Ba khó khăn lớn khác ở góc nhìn của người lao động bao gồm: thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu (33%); khó cạnh tranh suất mua (32%); hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp (27%).
CẦN CÓ GIẢI PHÁP HỖ TRỢ
Căn cứ vào tình hình thực tiễn và qua kết quả khảo sát, Ban IV đã đưa ra những đề xuất nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trước những khó khăn và thách thức trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần có nhóm giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp để họ duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó hỗ trợ gián tiếp cho người lao động. Cụ thể như kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn; tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng;…
Thứ hai là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động về nhà ở và bảo hiểm xã hội, rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo đó, để đạt được sự hiệu quả trong thực tế triển khai, giúp phần đông người lao động tiếp cận được với nhà ở xã hội, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh tên chương trình, đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 –2030” thành “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở cho người lao động” thuộc diện thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đi đôi với việc giảm mạnh lãi suất cho vay và áp dụng cho tất cả đối tượng người lao động mua nhà ở trong chương trình.
“Thay vì như hiện nay, chỉ có người thuộc diện đối tượng chính sách xã hội mới được tiếp cận vay với lãi suất thấp tại các ngân hàng chính sách xã hội, còn đối tượng công nhân khu công nghiệp muốn mua nhà ở xã hội hầu hết phải vay với lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại và đây là bài toán rất thách thức với số đông người lao động vì số tiền trả lãi, trả gốc hàng tháng thậm chí vượt quá 50% thu nhập của công nhân”, Ban IV cho biết.
Cần xem xét cải thiện quy trình, hồ sơ, điều kiện cho vay mua nhà ở xã hội vì đây là những rào cản rất lớn đang được phản ánh thông qua cuộc khảo sát. Đồng thời, một số doanh nghiệp còn có thể bổ sung thêm cơ chế hỗ trợ một phần tiền để thực hành chính sách chăm lo đời sống cán bộ nhân viên, giữ chân người lao động, cộng hợp với nỗ lực của Chính phủ trong Đề án quan trọng này.
Bên cạnh đó, với bảng giá đất và chi phí xây dựng như hiện nay, các dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn sẽ gặp nhiều thách thức vì tổng chi phí đầu vào rất cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...
“Đây cũng lại là các tỉnh, thành phố tập trung đông công nhân, người lao động nên để chính sách phát huy được trong thực tiễn và tiệm cận được đúng đối tượng mục tiêu của chính sách thì cần phải có các quyết sách cụ thể để hỗ trợ cho quá trình phát triển nhà ở xã hội trên các địa bàn này”, Ban IV nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần, kết quả khảo sát cho thấy xu hướng này còn chưa dừng lại khi mà người lao động vẫn có nguy cơ bị mất việc rất cao trong nửa cuối năm 2023 và phần lớn trong số họ ít có nguồn tài chính dự trữ để duy trì cuộc sống trước mắt.
Do đó, đề xuất được đưa ra là nghiên cứu cho người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.