Ba trụ cột được tập trung trong định hướng chuyển đổi giáo dục Việt Nam
Ngày 20/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Liên hiệp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia hướng tới Hội nghị thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục...
Phát biểu hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: Sau đại dịch, chúng ta càng nhận thức rõ hơn hệ thống giáo dục Việt Nam và đặt ra những câu hỏi mang tính chiến lược về tương lai của giáo dục nước nhà; những yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong một thế giới nhiều biến động.
"Việt Nam đang trong giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045", cho biết điều này Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đồng thời đề cập tới 3 trụ cột sẽ được tập trung trong định hướng chuyển đổi giáo dục Việt Nam.
Trước hết, đó là chuyển đổi hệ thống quản trị của lĩnh vực giáo dục và phát triển đội ngũ lãnh đạo có năng lực phù hợp với thời đại. Với quy mô 24 triệu học sinh, sinh viên, gần 1,5 triệu cán bộ, giáo viên cùng với nguồn tài chính được phân bố khoảng gần 20% chi ngân sách quốc gia; hệ thống quản trị và trình độ đội ngũ lãnh đạo của ngành giáo dục phải được cấu trúc theo kịp các yêu cầu về đáp ứng chất lượng.
“Chính vì vậy, việc cần thiết hiện giờ là xây dựng các mô hình đào tạo những nhà lãnh đạo giáo dục xuất sắc, có tầm nhìn để điều hành tốt các cơ sở giáo dục trường đại học, cũng như nhà trường phổ thông các cấp. Đội ngũ lãnh đạo mà chúng ta mong muốn phải là các cá nhân có khả năng kết nối giữa học thuật và nền công nghiệp để gia tăng giá trị đào tạo trong nhà trường”, Thứ trưởng nói.
Tiếp theo, giáo dục Việt Nam cần tạo ra môi trường để nuôi dưỡng, phát triển ước mơ, hoài bão cho những người trẻ, chuyển đổi từ môi trường trường học “tĩnh” sang trường học “động”, ở đó thiết lập các chương trình học tập linh hoạt, nguồn học liệu mở, dựa trên nền tảng của công nghệ số, bảo đảm tiếp cận giáo dục công bằng, hiệu quả cho tất cả người học.
Thứ ba, công nghệ số sẽ là nền tảng cho các quá trình chuyển đổi. Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ phát triển và ứng dụng của các phương thức tiếp cận học tập mới như học tập thích ứng và tự định hướng cũng như các công cụ ảo để cộng tác, giao tiếp tại bất kỳ thời điểm, địa điểm nào. Thông qua việc chuyển đổi môi trường học tập ứng dụng công nghệ, việc học sẽ trở thành trung tâm nơi công nghệ số sẽ kiến tạo các nền tảng tương tác, cũng như cá nhân hóa việc học. Công nghệ số cũng giúp tạo dựng mô hình tiếp cận mới cho những người học trưởng thành có nhu cầu rất đa dạng.
“Để tiến hành thành công chuyển đổi giáo dục chắc chắn sẽ cần sự hợp tác, cam kết đồng hành của các bộ, ban ngành, của hợp tác công tư giữa các bên liên quan, nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội để tạo dựng các mô hình phối hợp hướng đến sự chuyển đổi giáo dục phục vụ cho sự phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đại diện UNICEF đã cung cấp thông tin về Hội nghị thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về bối cảnh chuyển đổi giáo dục tại Việt Nam. Hội thảo có 4 phiên thảo luận với nhiều chủ đề. Kết quả của hội thảo sẽ cung cấp thông tin cho các chính sách và hành động của Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia và là cơ sở để Việt Nam tham gia vào những sự kiện cấp cao khác, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục toàn cầu.
Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục toàn cầu được tổ chức vào tháng 9/2022 do Tổng Thư ký Liên hiệp quốc chủ trì.