Bài toán nhà ở vừa túi tiền đang từng bước có lời giải
Với hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã khởi công, năm 2023, kỳ vọng sẽ là năm dồi dào nguồn hàng của phân khúc này…
Nhà ở xã hội đang trở thành phân khúc “nóng” trên thị trường bất động sản nhờ sự khơi thông về chính sách và sự “bùng nổ” nguồn cung mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành vào các tháng đầu năm 2023.
LIÊN TIẾP KHỞI CÔNG CÁC DỰ ÁN
Mới đây nhất, UBND huyện Mê Linh (TP.Hà Nội) cho biết đã khởi công xây dựng nhà ở xã hội thuộc Dự án khu nhà ở đô thị Kim Hoa có tổng vốn đầu tư 1.268 tỷ đồng. Đối tượng hướng đến gồm: người thu nhập thấp của khu công nghiệp Kim Hoa, khu công nghiệp Quang Minh, khu công nghiệp Phúc Thắng, TP.Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cùng đối tượng thu nhập thấp khác trên địa bàn TP.Hà Nội. Theo địa phương, dự án nhà ở xã hội quy hoạch xây dựng trên 4 lô đất CT1, CT2, CT3, CT4, với 9 tháp, mỗi tháp cao 9 tầng nổi và 1 tầng hầm, tổng số khoảng 720 căn hộ diện tích từ 62-69m2.
Tương tự, Hải Phòng vừa khởi công dự án khu nhà ở xã hội thuộc Dự án khu đô thị-dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ tại xã Lê Lợi, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, quy mô đầu tư xây dựng trên 2.500 căn, có thể đảm bảo chỗ ở của hơn 9.000 lao động. Mức đầu tư dự án ước gần 1.600 tỷ đồng, tiến độ chuẩn bị và thực hiện dự án từ quý 2/2023 đến quý 4/2025.
Tại Quảng Ninh, phân khúc nhà thu nhập thấp cũng đón thêm nguồn hàng mới từ Dự án nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi ngân hàng ở phường Hồng Hải và Cao Thắng, TP.Hạ Long, với tổng diện tích sàn xây dựng 125.220,3m2, dự kiến đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 3.880 người. Theo kế hoạch, quý 1/2026 sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Hiện nay, việc các địa phương tích cực triển khai dự án nhà ở xã hội đang được đánh giá là một tín hiệu đáng mừng. Bởi giai đoạn này, nhà ở xã hội rất cần thiết để bảo đảm an cư cho người dân. Đây là vấn đề dân sinh giúp cải thiện điều kiện sống của người dân đô thị có thu nhập thấp.
TIẾP TỤC CÓ QUYẾT SÁCH BÁM SÁT THỊ TRƯỜNG
Dù được chú trọng phát triển song tổng thể, nhà ở xã hội vẫn thiếu hụt so nhu cầu. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến quý 1/2023, Việt Nam hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội tại đô thị và dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp với tổng quy mô gần 156.000 căn. Khoảng 401 dự án chuẩn bị được xây dựng, với tổng quy mô 454.000 căn. Trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân thu nhập thấp tại các khu công nghiệp đã là khoảng 2,4 triệu căn cho giai đoạn 2021 – 2030. Như vậy, nếu tính cả nguồn cung hoàn thành hiện hữu, nguồn cung tương lai thì thị trường còn thiếu hơn 1 triệu căn.
Trong chia sẻ gần đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho rằng cần tiếp tục thực hiện một số chính sách để phát triển nhà ở phục vụ nhu cầu công nhân, người lao động. Trong đó bổ sung, hoàn thiện một số chính sách phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội; thực hiện chính sách ưu đãi về thuế; hoàn thiện quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai. Ngoài ra, bố trí hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước giúp phát triển nhà ở cho đối tượng chính sách, huy động hiệu quả nguồn vốn ngoài nước nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Còn theo ý kiến tiến sĩ Trần Xuân Lượng, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, gốc rễ của vấn đề là xây dựng dữ liệu đất đai theo thị trường, từ đó mới đưa ra những quyết sách bám sát thị trường. Các thủ tục hành chính đối với nhà ở xã hội nên cắt giảm, tạo sự thông thoáng trên cơ sở luật định. Mặt khác, muốn nhà đầu tư yên tâm triển khai nhà ở xã hội thì ưu tiên về pháp lý, thủ tục thẩm tra, thẩm định phải minh bạch, rõ ràng.
Đặc biệt, “UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục dự án để đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để họ nắm bắt, tiếp cận chương trình”, chuyên gia nhấn mạnh.
Thông tin thêm, đại diện Tổng công ty Becamex IDC đưa ra lưu ý, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương chung của Chính phủ. Về mặt tổng quan, nhà ở xã hội là một sản phẩm nhà ở, nhà nước phải đóng vai trò để nhà ở xã hội có giá hợp lý. Không phải ban, tặng, cho…, nhà ở xã hội cần chính sách phù hợp tùy thu nhập từng địa phương. Các gói kích cầu của Chính phủ phải giải quyết được vấn đề nguồn vốn, các quỹ vay sao cho có chính sách hỗ trợ hơn, ví như vay dài hạn 25-35 năm..., mới tạo điều kiện giúp người lao động tiếp cận được nhà ở xã hội