20:36 27/10/2022

Bàn giải pháp ngăn "làn sóng" công chức, viên chức nghỉ việc

Nhật Dương

Theo các đại biểu Quốc hội, cần nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục; nghiên cứu tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt; kiềm chế giá cả, tránh tình trạng “lương tăng một đồng, giá tăng 2 đồng”…

Đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nêu giải pháp khắc phục tình trạng công chức nghỉ việc. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nêu giải pháp khắc phục tình trạng công chức nghỉ việc. Ảnh - Quochoi.vn.

Giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục là vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra ngày 27/10.

Phát biểu góp ý tại hội trường, đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn. Nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đại biểu nêu rõ, áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra. 

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân; nghiên cứu về thời gian tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt; kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng “lương tăng một đồng, giá tăng 2 đồng”. 

Tranh luận về nguyên nhân tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, tán thành với ý kiến của một số đại biểu cho rằng trong thời gian vừa qua tình trạng nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc do nguyên nhân chính về thu nhập, tuy nhiên, đại biểu cho rằng còn có nhiều nguyên nhân khác cần xem xét, phân tích, đánh giá.

Đại biểu lấy ví dụ, tại bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 bệnh nhân tới khám, 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, các y bác sĩ phải khám vài chục đến cả trăm bệnh nhân mỗi ngày, áp lực rất lớn, thậm chí chỉ đủ sức để quan tâm đến căn bệnh chứ không phải người bệnh.

Ở các trạm y tế xã phường, vốn đã ít nhân lực, nhưng phải đảm trách nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng. Áp lực công việc rất lớn nên dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế chuyển việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh - Quochoi.vn.

Đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ cần cải thiện môi trường làm việc của ngành y. Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp dược và sản xuất vaccine để có thể chủ động nguồn lực ngay từ trong nước mà không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay. Đây cần phải coi là giải pháp căn cơ, chiến lược vì khi có dịch bệnh xảy ra sẽ có tổn thất về người, sau đó tiốn kém tiền của trong nhập khẩu và một số sai phạm có thể xảy ra.

Đề cập đến thực trạng và nguyên nhân giáo viên nghỉ việc thời gian qua trong phần tranh luận, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, khẳng định nguyên nhân của giáo viên nghỉ việc không chỉ do việc giáo viên chuyển dịch từ khối công lập sang khối tư thục.

Theo số liệu đầy đủ của cả bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cùng thông tin tập hợp từ Cục Nhà giáo cho thấy, số lượng giáo viên nghỉ việc hoàn toàn là số giáo viên chuyển ra khỏi ngành giáo dục, chưa có số liệu về khối công lập chuyển sang tư thục.

Qua khảo sát, giám sát, đại biểu nêu rõ, cho đến thời điểm này giáo viên trường công chuyển sang trường tư đang rất ít. Đây là một hiện tượng không bình thường. “Trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cần rất nhiều giáo viên thì số lượng giáo viên hiện nay là không đảm bảo”, đại biểu bày tỏ.

Về nguyên nhân, đại biểu cho rằng có vấn đề về lương, áp lực công việc, vấn đề liên quan tới việc giáo viên không đủ điều kiện để đáp ứng những yêu cầu của chương trình giao thông phổ thông mới.

Đại biểu cho rằng sắp tới ngành giáo dục chắc chắn sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu giáo viên. Do vậy, cần phải phân tích thật kỹ những vấn đề liên quan đến tiền lương, điều kiện môi trường làm việc của giáo viên. Ngành giáo dục cần quan tâm thêm đến việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi hiện tại giáo viên đang thiếu rất nhiều, Chính phủ cần phải sớm có cái nhìn về vấn đề này để có ý kiến với Quốc hội giải quyết ngay.

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ảnh - Quochoi.vn. 
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ảnh - Quochoi.vn. 

Để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề xuất cần thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính; xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế.

Đặc biệt, cần quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình. Ảnh - Quochoi.vn. 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình. Ảnh - Quochoi.vn. 

Giải đáp các băn khoăn của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công chức, viên chức nghỉ việc trong 2 năm diễn ra đại dịch là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới, như tại các nước Anh, Pháp, Mỹ, Australia và các nước khối ASEAN đều cũng phải đối mặt với vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động, theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta.

Đồng thời tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư.

Mặt khác, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở khu đô thị. Qua đó, tạo cơ hội cho người lao động ra vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu lao động cũng như yêu cầu xu thế của tự chủ, xã hội hóa khu vực sự nghiệp công.

Về giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà xác định cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới.