17:30 15/11/2021

Băn khoăn về kiến nghị hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn luôn dồi dào tiền, việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc chưa chắc tốt đối với cả ngân hàng và thị trường...

Nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, trong đó có Hiệu trưởng GS.TS Phạm Hồng Chương, PGS.TS Tô Trung Thành và các chuyên gia, vừa đưa ra một số đánh giá và nêu các kiến nghị chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Một trong những kiến nghị được nhóm chuyên gia đưa ra là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giúp kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch.

Cụ thể, nhóm chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỉ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý 1/2022. Theo đó, sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, bởi vì chỉ cần giảm 0,5% tỉ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng.

"Đây cũng là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp mong mỏi. Họ đều muốn Ngân hàng Nhà nước có động thái sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để nới lỏng tiền tệ, qua đó giảm lãi suất cho vay", nhóm chuyên gia nhấn mạnh.

Theo lý thuyết, trong trường hợp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tức Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng giữ một tỷ lệ dự trữ ít hơn, đồng nghĩa cung tiền hệ thống nhiều hơn, lãi suất cho vay sẽ hạ.

Thế nhưng phải nhấn mạnh rằng, công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đang được Ngân hàng Nhà nước sử dụng với hai nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, điều chỉnh cung tiền trong nền kinh tế.

Thứ hai, bảo toàn tính thanh khoản của hệ thống, ví dụ khi các ngân hàng gặp khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước giảm dự trữ bắt buộc để ngân hàng tăng thanh khoản

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng vẫn luôn dồi dào tiền. Điều này thể hiện rõ nhất qua mức lãi suất qua đêm liên ngân hàng thường xuyên ở vùng thấp, khoảng 0,6%/năm. Như vậy, việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng cung tiền chưa chắc sẽ giúp mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm.

Mặt khác, lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp kỷ lục, giảm khoảng 2-2,5% so với trước dịch Covid-19. Khi cung tiền tăng do tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm, lãi suất huy động cũng giảm. Điều này khiến ngân hàng khó huy động thêm vốn. Thậm chí tiền từ ngân hàng còn có nguy cơ chảy sang các thị trường khác như: chứng khoán, bất động sản...

Đồng thời, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng thực hiện dự trữ bắt buộc 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng. Thế nhưng tỷ lệ này đang quy định ở mức 3%, thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia khác (Trung Quốc dù giảm vẫn 8,9%).

Như vậy, với việc bộ đệm bảo đảm thanh khoản vốn đã mỏng, lại thêm không hút được nguồn vốn mới, hệ thống ngân hàng sẽ rất khó khăn.

 
Kể từ 1/9/2021, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0,5%/năm; đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm; đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0%/năm; đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm.

Tại diễn biến có liên quan, trong một lần trao đổi với VnEconomy, đại diện Agribank chia sẻ, nhờ cơ cấu tín dụng có tới 70%-80% liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân nên ngân hàng này được hưởng cơ chế dự trữ bắt buộc thấp hơn so với các ngân hàng thương mại khác.

Tuy nhiên, lãnh đạo Agribank cũng cho rằng, đây chưa hẳn là điều tốt đối với ngân hàng. Bởi lẽ, nhiều năm gần đây, thanh khoản Agribank luôn dồi dào, trở thành nhà cung ứng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Việc duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước còn được trả lãi suất.

“Như vậy, khi nhận vốn về từ nguồn đáng lẽ phải dự trữ bắt buộc trong bối cảnh cho vay khó khăn, lại phải dự trữ thanh toán một lượng vốn lớn không sinh lời, hóa ra lại thiệt hơn là để dự trữ ở Ngân hàng Nhà nước”, đại diện Agribank chia sẻ.