09:00 19/07/2022

Bán vốn nhà nước: Ế ẩm vẫn “neo” giá cao

Đỗ Mến

Trên thị trường hiện nay, mặc dù bán vốn nhà nước “ế ẩm” nhưng giá khởi điểm không giảm, thậm chí vẫn “neo” ở mức cao. Vì sao lại có nghịch lý trên?...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của HNX, tính từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận có 7 phiên đấu giá thành công nhưng kết quả không đạt như kỳ vọng khi có 71 triệu cổ phần trúng đấu giá/195 triệu cổ phần chào bán với tổng giá trị là 4.610 tỷ đồng.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế giai đoạn 2016 – 2020, thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, đã thoái vốn tại 38 doanh nghiệp với giá trị 2.047 tỷ đồng, thu về 6.582 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg với giá trị 52,8 tỷ đồng thu về 85,1 tỷ đồng, còn lại là thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty tại doanh nghiệp. Bộ Tài chính nhìn nhận kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra.

CÁC PHƯƠNG PHÁP THẨM ĐỊNH GIÁ CHÀO BÁN

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang lên kế hoạch thoái vốn nhà nước ở các đơn vị liên quan như CTCP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên, CTCP thuốc ung thư Benovas, CTCP vật liệu xây dựng Bến Tre, CTCP thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Tổng công ty Thăng Long…

Đáng chú ý, vào ngày 18/7/2022, SCIC đưa ra chào bán cạnh tranh hơn 1,937 triệu cổ phiếu Viresco của CTCP Địa ốc Vĩnh Long, tương đương 73,03% vốn điều lệ Viresco. Giá khởi điểm cho cả lô cổ phần trên là 73,5 tỷ đồng, tương ứng giá chào bán tối thiểu hơn 38.800 đồng/cổ phiếu. Đây là lô cổ phần đã được SCIC chào bán nhiều năm nay nhưng chưa thành công.

Viresco tiền thân là Công ty Kinh doanh nhà Vĩnh Long, thành lập năm 1993, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Công ty cổ phần năm 2004. SCIC từng rao bán vốn tại Viresco vào năm 2015, 2016, 2020 với giá khởi điểm dao động 24.700 đồng/cổ phiếu, nhưng không thành công.

Sau 2 năm, SCIC đưa ra đấu giá lô cổ phần trên nhưng mức giá nâng lên 38.800 đồng/cổ phiếu.

Sau phiên đấu giá ngày 19/5/2022, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem tiếp tục lên kế hoạch bán vốn 17,5% tại CTCP Hóa chất Việt Trì. Theo đó, ngày 10/7/2022, HNX thông báo đăng ký làm đại lý chào bán cạnh tranh lô cổ phần của CTCP Hóa chất Việt Trì do Vinachem sở hữu.  Cụ thể, Vinachem đăng ký chào bán cạnh tranh 1.921.600 cổ phiếu CTCP Hóa chất Việt Trì (mã HVT) với giá khởi điểm 66.046 đồng/cổ phiếu. Nếu thoái vốn thành công, Vinachem sẽ mang về tối thiểu 126,9 tỷ đồng. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra lúc 9h ngày 28/7 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Trước đó, tại phiên đấu giá ngày 19/5/2022, có 4 nhà đầu tư cá nhân tham gia, tổng số lượng cổ phần bán được chỉ có 400 cổ phần với giá đấu bằng đúng giá khởi điểm. Mặc dù ế ẩm nhưng Vinachem giữ nguyên mức giá khởi điểm ban đầu. Hiện trên thị trường, giá cổ phiếu HVT dao động 52.000 đồng/cp.

Hồi đầu năm, thị trường ngóng đợi phiên đấu giá hơn 21,2 triệu cổ phiếu LAS (CTCP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) do Vinachem sở hữu tương ứng 18,9% vốn điều lệ, giá khởi điểm là 27.100 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị bán ra khởi điểm khoảng 603 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên đấu giá ngày 4/3/2022 tiếp tục ế do không có nhà đầu tư nào tham gia. Còn nhớ phiên đấu giá hồi tháng 12/2021, sau 20 ngày thông báo không có nhà đầu tư nào đăng ký.

Tại đợt chào bán tháng 12/2021, Vinachem cho biết mức giá khởi điểm được xác định dựa trên phương pháp thẩm định giá bao gồm: phương pháp tài sản, phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu, phương pháp giá giao dịch, phương pháp tỷ số bình quân.

Lịch sử giá tham chiếu của cổ phiếu LAS từ ngày 20/8/2021 đến ngày 12/10/2021 cũng là một căn cứ để xác định mức giá. Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, giá tham chiếu cổ phiếu LAS chỉ dao động ở khoảng 16.700 - 19.100 đồng/cổ phiếu.

NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 126, Nghị định 91, Nghị định 32 quy định về việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần và quy định về việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Các Nghị định này thường được gọi tắt nghị định về cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.

Đặc biệt, Nghị định 140 có nội dung đáng chú ý về giá khởi điểm. Theo đó, việc xác định giá khởi điểm phải xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn đầu tư ra ngoài bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm) theo quy định của pháp luật. Việc xác định giá trị thương hiệu (trong đó bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử) vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Việc sử dụng một mức giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn đảm bảo nguyên tắc thời gian tối đa không quá 6 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày giao dịch cuối cùng (đối với trường hợp giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán); hoặc tính đến ngày công bố trúng giá chuyển nhượng vốn (đối với phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh) hoặc tính đến ngày ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (theo phương thức thỏa thuận).

Trường hợp chuyển nhượng vốn tại các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán mà tỷ lệ vốn nắm giữ dưới 36% và giá trị sổ sách dưới 10 tỷ đồng thì được xem xét, quyết định thuê tổ chức thẩm định giá hoặc tự quyết định mức giá khởi điểm.

Trường hợp chuyển nhượng vốn tại các công ty đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, giá khởi điểm không được thấp hơn các mức giá gồm giá xác định của tổ chức thẩm định giá; giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp của cổ phiếu; giá tham chiếu trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn 1 ngày.

Đối với công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch mà tổng khối lượng cổ phần có giá trị dưới 10 tỷ đồng, doanh nghiệp xem xét, quyết định việc thuê tổ chức thẩm định giá hoặc tự quyết định mức giá khởi điểm. Giá khởi điểm phải không thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp và giá tham chiếu trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn một ngày.

Lâu nay, các chuyên gia đã chỉ ra lý do khiến cổ phần hóa, bán vốn nhà nước gặp khó do vướng mắc trong định giá bất động sản. Những thương vụ thoái vốn chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp sở hữu nguồn lực đất đai lớn.

Một lãnh đạo công ty chứng khoán cho rằng, nguyên nhân việc doanh nghiệp “neo” giá khởi điểm cao dù việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, cũng có thể có nguyên nhân chủ quan khác như doanh nghiệp lo sợ nếu để giá thấp sẽ bị xem xét trách nhiệm do để thất thoát tài sản nhà nước. Hoặc cũng có thể do ban lãnh đạo thấy rằng mức giá trên mới đúng kỳ vọng đặt ra.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện một cách đồng bộ để đảm bảo đẩy nhanh hơn tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.