17:50 30/05/2023

Báo động giải ngân vốn đầu tư công trì trệ tại Đồng Nai, Gia Lai và Bình Dương

Trâm Anh

Ba địa phương gồm: Đồng Nai, Gia Lai, Bình Dương đều gặp khó trong giải ngân vốn đầu tư công. Đến nay, hàng loạt dự án tại ba tỉnh, thành vẫn chưa giải ngân hoặc số vốn giải ngân rất thấp dưới 5% kế hoạch năm 2023...

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cả ba địa phương rà soát các dự án đến nay không giải ngân được và kiên quyết cắt giảm vốn các dự án này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cả ba địa phương rà soát các dự án đến nay không giải ngân được và kiên quyết cắt giảm vốn các dự án này.

Trên cơ sở kết quả làm việc với các địa phương của Tổ công tác số 5, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 5237/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo Quyết định số 235/QĐ-TTg đối với 3 địa phương: Đồng Nai, Gia Lai, Bình Dương.

NHIỀU VƯỚNG MẮC KHIẾN CẢ BA ĐỊA PHƯƠNG GẶP KHÓ TRONG GIẢI NGÂN

Theo đó, tính đến ngày 30/4, cả ba địa phương (gồm Đồng Nai, Gia Lai, Bình Dương) giải ngân được 3.212,7 tỷ đồng, đạt 11,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước 5 tháng năm 2023 giải ngân được 4.974,345 tỷ đồng, đạt 17,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, tỉnh Đồng Nai giải ngân 4 tháng đạt 10,85%, ước 5 tháng đạt 20,99%. Tỉnh Gia Lai đạt 7,57%, ước 5 tháng đạt 12,74%. Tỉnh Bình Dương đạt 13,21%, ước 5 tháng đạt 16,03%.

 

Cả ba địa phương đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn giải ngân rất thấp dưới 5% kế hoạch vốn năm 2023. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai có 20 dự án; tỉnh Gia Lai 17 dự án; tỉnh Bình Dương 19 dự án.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, nguyên nhân chậm giải ngân vốn của ba địa phương là do vướng mắc liên quan đến chính sách quy định Luật Đầu tư công, Luật Đất đai.

Vướng mắc tại Điều 5 Luật Đầu tư công không cho phép phê duyệt công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với các dự án nhóm B, nhóm C (trong trường hợp cần thiết) gây chậm tiến độ đầu tư công.

Bởi phải đợi thực hiện xong phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt thì mới triển khai thực hiện thi công phần xây lắp của dự án. Trong khi đó, các bước triển khai công tác đến bù, giải phóng mặt bằng phức tạp, mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, Điều 24 Luật Đầu tư công quy định cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nên khi thực hiện nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, vì vậy mất rất nhiều thời gian để triển khai. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị cần giao cơ quan chuyên môn thực hiện.

Cùng với đó, theo Bộ Tài chính, vướng mắc nhiều nhất là liên quan đến quản lý đất đai. Bộ Tài chính nêu rõ trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư phức tạp, chính sách bồi thường, hỗ trợ không phù hợp với thực tế, sau khi có quyết định phê duyệt dự án mới được triển khai thực hiện. "Trong điều kiện thuận lợi thì phải gần 1 năm mới tiến hành chi trả được cho người dân", Bộ Tài chính nêu rõ.

Hiện nay, trong đầu tư công, khi triển khai một dự án phải triển khai 3 hình thức, gồm: nhà ở tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình thuộc dự án.

Trong đó, triển khai tái định cư phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì vậy, Bộ này cho rằng, công tác xây dựng nhà ở tái định cư đáng lẽ cần được xem xét xã hội hóa để tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhưng thực tế thì Luật Đất đai không quy định xã hội hóa xây dựng nhà ở tái định cư. 

Ngoài ra, còn nảy sinh vướng mắc liên quan đến thời điểm tính thu tiền sử dụng đất tái định cư. Cụ thể, theo quy định, việc thu hồi đất, bố trí tái định cư thực hiện sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư; đồng thời, phương án bồi thường phải xác định giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc thu chênh lệch.

Cũng theo Bộ Tài chính, còn thêm một bất cập nữa, đó là: trước đây, nhiều dự án thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trước khi hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư dẫn đến nhiều hộ dân sau khi bàn giao mặt bằng, rất nhiều tháng hoặc nhiều năm sau mới được giao đất tái định cư, dẫn đến vướng mắc liên quan đến thời điểm tính thu tiền sử dụng đất.

GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CƯ PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC

Để đảm bảo việc giải ngân vốn đầu tư công của ba tỉnh được tiến triển mạnh mẽ trong các tháng tiếp theo và đảm bảo chỉ tiêu kết thúc năm 2023 đạt 95% kế hoạch vốn được giao theo Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quán triệt và yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc, nghiêm túc triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo đó, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai dự án đầu tư công.

Đặc biệt, "công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư phải đi trước một bước để người có đất bị thu hồi được ổn định đời sống, có cơ chế linh hoạt giao cho họ đất nền để tự làm nhà hoặc nhà nước xây nhà do người dân lựa chọn", Bộ Tài chính kiến nghị.

Cùng với đó, công tác kiểm đếm, lập phương án đền bù, bồi thường hỗ trợ tái định cư phải làm trước, không chờ phê duyệt dự án mới thực hiện các bước kiểm đếm, lập phương án bồi thường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết khó khăn vướng mắc, ban quản lý dự án, nhà thầu phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, cam kết về tiến độ thực hiện dự án.

Các địa phương cũng cần thực hiện công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường, tạo điều kiện để xác định đúng chi phí cho đầu tư công theo đúng hướng dẫn của Bộ Xây dựng; nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án.

Bộ trưởng yêu cầu cả ba địa phương chỉ đạo rà soát các dự án đến nay không giải ngân được; trong đó, Đồng Nai có 20 dự án; Gia Lai 17 dự án; Bình Dương 19 dự án, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, tìm rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý.

"Kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân để bố trí cho các dự án quyết toán, các dự án hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Cùng với đó, tăng việc thanh toán theo hình thực trực tuyến trên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia để chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Các sở, ban ngành, các chủ đầu tư rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến dự án đầu tư công không còn phù hợp với thực tế như pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, đất đai, quy hoạch...

"Khẩn trương phân bổ hết số vốn kế hoạch 2023 cho các dự án đảm bảo đúng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đối với vốn ngân sách trung ương và Hội đồng nhân dân các cấp giao đối với vốn ngân sách địa phương bao gồm cả phần tăng thêm so với số Thủ tướng Chính phủ giao", công văn Bộ Tài chính nêu rõ.