13:03 04/05/2023

Bảo hiểm thất nghiệp: Bổ sung nhiều quy định hướng tới người lao động

Lý Hà

Sắp tới, nhiều chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được định chế vào Luật Việc làm (sửa đổi). Đặc biệt, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã, người lao động có giao kết hợp đồng xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều có thể là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

nhiều quy định được bổ sung trong bảo hiểm thất nghiệp hướng tới người lao động
nhiều quy định được bổ sung trong bảo hiểm thất nghiệp hướng tới người lao động

Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn tất quy trình xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét đưa việc sửa đổi này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Dự kiến Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

CÁC QUY ĐỊNH KHÔNG VƯỚNG NHAU TRONG LUẬT

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Việc làm lần này nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW...

Không những vậy, việc sửa đổi lần này còn phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp các tiêu chuẩn, cam kết quốc tế liên quan tới việc làm, thất nghiệp.

Người lao động đợi làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Người lao động đợi làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Thực tế, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản luật làm thay đổi hoặc phát sinh những vấn đề liên quan tới việc làm, thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể như: Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung nhiều quy định mới thuộc chính sách lao động, việc làm và giải quyết việc làm; quyền có việc làm của người lao động, quyền tuyển dụng của người sử dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động, phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động; phát triển kỹ năng nghề.

Các đối tượng lao động không có quan hệ lao động (như lao động phi chính thức, lao động là người cao tuổi) đều được đưa vào Bộ luật Lao động 2019, đây cũng là những đối tượng liên quan đến Luật Việc làm.

Ngoài ra, còn có các luật mới được sửa đổi bổ sung như: Luật Cư trú 2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Thống kê (sửa đổi, bổ sung năm 2020), chính sách cải cách tiền lương có hướng bãi bỏ “mức lương cơ sở” cũng liên quan đến việc làm, thất nghiệp, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Thêm vào đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội năm 2023 - 2024, cũng có những nội dung liên quan về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm đang được trích dẫn theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

 

Với tình trạng rủi ro thất nghiệp khó lường, nên hướng sửa đổi, bổ sung các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng không xác định thời hạn hay xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.

Không những vậy, có những điều khoản liên quan đến việc làm, thất nghiệp cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết của Việt Nam với quốc tế trong các Công ước về quyền con người, các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế; các tiêu chuẩn về lao động, việc làm trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Từ năm 2021, Việt Nam bắt đầu áp dụng các chỉ tiêu thống kê về lao động, việc làm theo khung khái niệm mới ICLS 19 (hay còn gọi là tiêu chuẩn ICLS 19 - là các khái niệm, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê về lực lượng lao động, việc làm, thất nghiệp theo tiêu chuẩn được thông qua tại Hội nghị quốc tế về thống kê lao động việc làm lần thứ 19 (ICLS19)) thay thế tiêu chuẩn cũ ICLS13.

Tiêu chuẩn ICLS19 đưa ra những khái niệm việc làm, thất nghiệp khác so với ICLS13. Trong đó, những người làm công việc tự sản tự tiêu không được xác định là những người có việc làm, rất cần một chính sách phù hợp giúp họ chuyển đổi công việc tốt hơn, có năng suất cao hơn. Điều này cũng cần chú ý khi bổ sung, sửa đổi Luật Việc làm.

BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, NHỮNG ĐIỂM SẼ ĐƯỢC BỔ SUNG, SỬA ĐỔI

Theo các chuyên gia đang làm dự thảo Luật, với tình trạng rủi ro thất nghiệp khó lường, nên hướng sửa đổi, bổ sung các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng không xác định thời hạn hay xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.

Ngoài ra, cần bổ sung đối tượng người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, điều cần sửa đổi, bổ sung là: không chỉ coi trọng chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, mà phải chú ý tới tính phòng ngừa quản lý rủi ro hơn nữa. Cần nhận thức rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ chi trả tiền cho người lao động, mà còn tư vấn, giới thiệu việc làm, cũng như đào tạo lao động.

 

Cần nhận thức rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ chi trả tiền cho người lao động, mà còn tư vấn, giới thiệu việc làm, cũng như đào tạo lao động.

Trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ được quy định những trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, sửa đổi quy định liên quan chưa tìm được việc làm sau 15 ngày.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, được sửa đổi đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW...

Tư vấn, giới thiệu việc làm sẽ phải thay đổi hình thức, thay đổi cách cung cấp dịch vụ, kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Giá, miễn phí cho những người đang hưởng chế độ thất nghiệp. Tạo việc làm, đào tạo người lao động phù hợp với công việc của doanh nghiệp chính là người sử dụng lao động.

Với tinh thần đó, chế độ “hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động” phải sửa lại thành: “hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động”.

 Người sử dụng lao động sẽ được hỗ trợ để đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động, hỗ trợ gắn với trách nhiệm người sử dụng lao động. Các quy định sẽ theo hướng tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động tiếp cận và thụ hưởng chính sách; quy định rõ người sử dụng lao động được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động, hoặc trong trường hợp thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng.

Quy định về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề sẽ được sửa đổi rõ ràng, cụ thể hơn. Tên chế độ “hỗ trợ học nghề” đổi thành “hỗ trợ tham gia đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”.

Viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng sẽ không được hỗ trợ học nghề. Một số quy định khác như phạm vi hỗ trợ, chi phí đi lại, sinh hoạt hỗ trợ cho người lao động học nghề cũng sẽ được đưa vào Luật.

Chính phủ sẽ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các “cú sốc” như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh...

 

Những người thất nghiệp là những người từ 15 tuổi trở lên không có việc làm, hiện đang tìm việc và sẵn sàng làm việc, hoặc những người không tìm việc nhưng đã chắc chắn có được công việc hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh để bắt đầu thực hiện sau thời kỳ tham chiếu. Những người không tìm việc vì nhiều lý do nhưng sẵn sàng làm việc được xác định là lao động không sử dụng hết tiềm năng.