“Bay màu” gần 28 điểm, VN-Index giảm mạnh nhất thế giới
Áp lực bán không hề nhẹ đi chiều nay, đẩy cả loạt cổ phiếu giảm sâu hơn nữa. VN-Index bốc hơi 27,9 điểm (-2,18%) lúc đóng cửa và chốt sát đáy thấp nhất ngày, chỉ còn 1.254,12 điểm. Ngưỡng 1.250 điểm được xem là “chốt chặn” giữ cho thị trường điều chỉnh tích cực, thủng mức này rủi ro điều chỉnh sâu hơn...
Áp lực bán không hề nhẹ đi chiều nay, đẩy cả loạt cổ phiếu giảm sâu hơn nữa. VN-Index bốc hơi 27,9 điểm (-2,18%) lúc đóng cửa và chốt sát đáy thấp nhất ngày, chỉ còn 1.254,12 điểm. Ngưỡng 1.250 điểm được xem là “chốt chặn” giữ cho thị trường điều chỉnh tích cực, thủng mức này rủi ro điều chỉnh sâu hơn.
VN-Index đóng cửa giảm 2,18% so với tham chiếu, là mức giảm trong ngày tệ nhất kể từ phiên 15/4/2023 (giảm 4,7% tương đương -59,99 điểm). Chỉ số chỉ đóng cửa cao hơn mức đáy của phiên khoảng 1,46 điểm, chủ yếu nhờ vài trụ có nảy lên một chút như HPG hồi lại 6 bước giá, còn giảm 1,2%; VHM nảy lên 4 bước giá, thành giảm 0,79%.
Đại đa số cổ phiếu bị ép chặt giá cho đến hết phiên, nhiều mã đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. VN30-Index chốt giảm 2,28%, còn duy nhất POW tăng 2,04%. VCB, VIC, VRE là 3 mã khác trong nhóm buổi sáng còn xanh, chiều nay cũng đã đỏ, trong đó VIC giảm tới 1,32% so với tham chiếu, tức là mất thêm 1,44% riêng phiên chiều.
Toàn bộ rổ VN30 có 9 mã giảm trên 3%, 7 mã giảm từ 2% tới 3%, 7 mã giảm từ 1% tới 2%. Trong 10 cổ phiếu trụ vốn hóa lớn nhất thị trường, loạt cổ phiếu giảm sâu nhất là FPT giảm 2,94%, VPB giảm 3,83%, GAS giảm 1,8%, CTG giảm 1,71%, VIC giảm 1,32%, HPG giảm 1,2%. Loạt mã vốn hóa trung bình của rổ còn kém hơn nữa như SSB giảm 4,84%, GVR giảm 4,49%, TPB giảm 3,87%.
Độ rộng sàn HoSE cũng xấu thêm, dù không nhiều vì buổi sáng đã quá xấu. VN-Index ghi nhận 74 mã tăng/378 mã giảm. Không chỉ vậy, mặt bằng giá thực sự đã thấp đi nhiều. Cụ thể, buổi sáng sàn HoSE mới có 2 mã giảm sàn, đóng cửa tới 18 mã. Áp lực bán tháo cực mạnh xuất hiện tại HVN với thanh khoản 254,3 tỷ đồng. CTS cũng sàn với quy mô giao dịch 204,1 tỷ đồng, DPG với 115,9 tỷ, VTP với 384,8 tỷ, VDS với 106,3 tỷ, HHS với 123,1 tỷ. Ngoài ra, phiên sáng HoSE có 137 mã giảm quá 2%, chiều nay tới 166 mã.
Tuy nhiên phía tăng giá chiều nay lại bất ngờ có cải thiện. Thêm một số cổ phiếu nhỏ, thanh khoản trung bình tới kém được đẩy lên kịch trần như HNG, EVG, ITA, ITC. Các mã khác vẫn có dòng tiền duy trì lực đỡ giá, dù không mạnh như buổi sáng là POW tăng 2,04% thanh khoản 404,2 tỷ; HAG tăng 1,61% với 188 tỷ; DIG tăng 1,53% với 507,3 tỷ; KBC tăng 1,36% với 267,5 tỷ. CMX, VPH, CCL, SCS, SMC, YEG, DRC có thanh khoản kém hơn nhưng giá cũng khá mạnh.
Thanh khoản sàn HoSE phiên chiều giảm hơn 9% so với buổi sáng, nhưng mặt bằng giá yếu đi rõ rệt cho thấy lực cầu đã thoái lui xuống sâu hơn thay vì giảm bán. Nhà đầu tư vẫn bắt đáy, nhưng cực kỳ thận trọng, rất ít nâng giá. Thực ra chiều nay thị trường cũng có phục hồi một chút, mức giảm co lại còn hơn 16 điểm lúc hơn 2h. Tuy nhiên từ đó trở đi lực bán lại mạnh lên và tiếp tục ép giá xuống đợt nữa.
Tính chung cả ngày, tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết tăng 53% so với phiên cuối tuần trước, đạt 30.551 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch cao nhất 4 tuần. Tuy vậy với diễn biến giảm giá la liệt, thanh khoản này là kết quả của đợt bán tháo rõ ràng. Thị trường không chịu cú sốc thông tin nào nên biến động rất bất ngờ.
Khối ngoại có giảm áp lực trong buổi chiều, chủ yếu là tăng mua. Tổng giá trị bán ra với HoSE chiều nay đạt 1.789,4 tỷ đồng, còn cao hơn cả phiên sáng. Tuy nhiên bên mua tăng 83% lên 1.591 tỷ đồng đã cân bằng lại phần nào. Tổng mức bán ròng cả phiên đạt 925,6 tỷ đồng, với 728,6 tỷ đồng là bán ròng ở cổ phiếu thuộc rổ VN30. FPT bị xả kinh hoàng 589,6 tỷ đồng ròng. Các mã khác như NLG, SSI, HDB, VRE, VPB bị bán ròng quanh 50 tỷ đồng.