Blue-chips giằng co, cổ phiếu nhỏ tăng mạnh
Trong khi các cổ phiếu lớn thay nhau kiềm chế chỉ số thì chiều nay nhóm vốn hóa nhỏ bật lên rất ấn tượng. Chỉ số VNSmallcap tăng vọt 1,66% nhưng thanh khoản không mấy ấn tượng...
Trong khi các cổ phiếu lớn thay nhau kiềm chế chỉ số thì chiều nay nhóm vốn hóa nhỏ bật lên rất ấn tượng. Chỉ số VNSmallcap tăng vọt 1,66% nhưng thanh khoản không mấy ấn tượng.
Thực ra các blue-chips không kém hơn phiên sáng bao nhiêu, dù VN30-Index tụt khá nhiều, từ mức tăng 0,43% co lại còn tăng 0,13% lúc đóng cửa. Cổ phiếu nào mạnh vẫn duy trì được giá, chỉ những mã lớn điều tiết chỉ số là tác động lớn hơn.
GAS cùng một số cổ phiếu ngân hàng diễn biến yếu đi đáng kể trong buổi chiều, cùng với VIC đã khiến các chỉ số mất điểm. GAS thậm chí là cổ phiếu blue-chips rơi mạnh nhất phiên chiều: Chốt phiên sáng GAS giảm 2,02% nhưng đóng cửa giảm tới 3,51%.
Ảnh hưởng chính lên GAS hay các mã dầu khí khác là diễn biến điều chỉnh của giá dầu thế giới hai phiên gần đây, mức giảm khoảng 2,6%. GAS từ đầu năm đến hôm qua cũng tăng gần 19% và thường mức này sẽ có áp lực chốt lời nhất định. Trừ PLX tăng 1,02%, nhiều mã dầu khí khác cũng điều chỉnh như PVD giảm 2,77%, PVS giảm 1,74%, PVC giảm 1,99%, OIL giảm 2,21%, BSR giảm 1,12%...
Trong hai trụ gây sức ép lên chỉ số còn lại là VCB và VIC, VIC tụt thêm chiều nay 0,81% so với giá cuối phiên sáng, đóng cửa dưới tham chiếu 1,83%. Thực ra VIC đã có phục hồi một chút từ khoảng 2h15. Giá đáy 84.900 đồng buổi chiều của VIC giảm tới 2,75% so với tham chiếu. Đây cũng là giá tương đương mức đáy hồi tháng 9 năm ngoái của cổ phiếu này. Thanh khoản của VIC hôm nay tiếp tục rất cao, đạt 8,81 triệu cổ tương đương 762,2 tỷ đồng. Đây là thanh khoản cao nhất 5 tháng của VIC và gấp 2,5 lần mức trung bình 20 phiên.
Với các mã ngân hàng, VCB tuy đóng cửa giảm 1,3% so với tham chiếu, vẫn là 1 trong 3 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất (cùng với GAS và VIC), nhưng thực chất đã hồi giá buổi chiều. VCB lấy lại được... 1 bước giá so với cuối phiên sáng và so với đáy thấp nhất ngày, VCB tăng 0,55%. Tuy nhiên nhiều cổ phiếu ngân hàng khác lại yếu đi đáng kể buổi chiều. Tiêu biểu là MBB tụt 1,18% so với phiên sáng, đóng cửa giảm 1,48% so với tham chiếu; STB tụt 2,78% riêng chiều, đóng cửa giảm 2,23% so với tham chiếu, tức là đảo từ tăng thành giảm; TCB tụt 1,1%, chốt giảm 0,37%, cũng là đảo từ tăng thành giảm; TPB tụt 1%, chốt giảm 1,19% so với tham chiếu...
So với giá cuối phiên sáng, rổ VN30 ghi nhận 16 mã tụt giảm và 12 mã tăng lên. Như vậy trạng trái giằng co vẫn không thay đổi gì nhiều, chỉ có các cổ phiếu cụ thể tác động đến chỉ số. Độ rộng của rổ này cuối phiên vẫn là 16 mã tăng/14 mã giảm.
Trong khi các blue-chips giằng co, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại cải thiện mạnh mẽ. Chỉ số VNSmallcap cuối phiên sáng tăng 0,66% nhưng đóng cửa tăng 1,66%. Độ rộng ghi nhận 137 mã tăng/64 mã giảm, trong đó 10 mã kịch trần, 85 mã tăng trên 1%. Chỉ riêng điều này cũng thể hiện sức mạnh của nhóm này.
Ngoài hai mã thép là NKG và POM, SMC kịch trần từ sáng, DRH, DAG, FCN, TTB... tăng bùng nổ lên hết biên độ. Các mã này đang dò đáy sau nhịp giảm chóng mặt vừa qua. Mặc dù số lượng tăng giá khá nhiều, nhưng độ nóng không rõ ràng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Thanh khoản trong nhóm smallcap cũng tăng nhẹ 10% so với phiên trước, nhưng con số tuyệt đối không mấy ấn tượng, đạt 2.952 tỷ đồng. Về mặt tỷ trọng, rổ này chỉ còn chiếm khoảng 12% giá trị khớp sàn HoSE, thay vì 18-20% liên tiếp như trước đây.
Khối ngoại chiều nay tăng bán mạnh ở VIC, từ mức 1,9 triệu trong phiên sáng lên 3,83 triệu lúc cuối ngày. Mức bán ròng tăng từ 99 tỷ đồng lên 260,5 tỷ đồng. NVL và SSI cũng bị tăng bán đáng kể, mức ròng tương ứng -68,1 tỷ và 66 tỷ đồng. Ngược lại, VND, GEX, GMD, HPG, VNM, MSN, NLG được mua tốt hơn. Tuy vậy ảnh hưởng của VIC là rất lớn, khiến vị thế mua ròng của khối này cả ngày chỉ còn 216,7 tỷ đồng.