11:13 23/02/2022

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Cơ hội sắp xếp lại cả quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng lớn”

Vy Vy

“Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung lớn, nhưng lại là lần đầu tiên làm, chưa có tiền lệ và chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, đây không chỉ là việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà của cả hệ thống chính trị, của các bộ ngành, các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học, trường viện cùng nhau tham gia”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là cơ hội để sắp xếp lại cả quốc gia trong thời kỳ mới để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, mục tiêu năm 2025, năm 2030, 2045.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là cơ hội để sắp xếp lại cả quốc gia trong thời kỳ mới để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, mục tiêu năm 2025, năm 2030, 2045.

Tại Hội thảo xin ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 22/2 tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia phải xác định mức độ tác động đến xã hội, không phải chỉ cho một vùng, địa phương hay một lĩnh vực mà phải khai thác hết các tiềm năng lợi thế của các ngành, lĩnh vực, địa phương dù là nhỏ nhất.

“Vì vậy, chúng ta phải xác định có gì, muốn gì, đi về đâu, đi bằng cách nào và bao giờ đến? Đây là câu hỏi chung cho tất cả các quy hoạch, định hướng để bố trí, phân bổ không gian phát triển, qua đó có các cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực thực hiện các mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng đặt vấn đề.

Nhắc rằng, nhiệm vụ này đã chậm hơn so với yêu cầu của Quốc hội đặt ra với Chính phủ, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cần khẩn trương phối hợp chặt chẽ thì quá trình đi đến thống nhất sẽ nhanh hơn, đảm bảo chất lượng.

“Đây là cơ hội để sắp xếp lại cả quốc gia trong thời kỳ mới để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, mục tiêu năm 2025, năm 2030, 2045”, Bộ trưởng khẳng định và cho rằng “Các mục tiêu khát vọng đề ra rất lớn do đó, quy hoạch cần đưa ra định hướng, tầm nhìn, mô hình tốt đối với không gian hợp lý, các ngành hợp lý, bổ sung cho nhau, cùng nhau đóng góp cho phát triển chung. Nếu không xác định đây là cơ hội tốt quý, thì sẽ mất cơ hội”.

 

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định tại Luật Quy hoạch (2017).

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Thay mặt đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, từ đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ phối hợp với các viện nghiên cứu chiến lược, quy hoạch các Bộ, ngành liên quan xây dựng các định hướng phát triển và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực liên quan và căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong quá trình xây dựng Báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo kinh nghiệm về lập quy hoạch không gian của các nước, nhất là các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam trong khu vực, như Malaysia, Hàn Quốc.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của quy hoạch là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu 2030 và 2050…

Trong bối cảnh các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, nhóm nghiên cứu cho rằng, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển.

Vì thế, định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.

Về phát triển các hành lang kinh tế, tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam và các hành lang kinh tế Đông – Tây.

Dự kiến có 2 hành lang Bắc – Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và QL 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang – Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.

Về các hành lang kinh tế Đông – Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi như có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế...; hay các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị… và ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.

Về các vùng động lực, hiện nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

“Sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực; cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực”, ông Quang nêu quan điểm.