09:11 27/11/2023

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Các Viện nghiên cứu cần ưu tiên triển khai 5 giải pháp trọng tâm

Vũ Khuê

Ngành Công Thương đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành với định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá. Trong đó xác định các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương là nhân tố nòng cốt trong mạng lưới tổ chức khoa học - công nghệ của ngành...

Ngành Công Thương hướng tới thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngành Công Thương hướng tới thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại buổi làm việc với các Viện nghiên cứu trong ngành Công Thương, ngày 26/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu: "Các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương phải trở thành nhân tố nòng cốt trong mạng lưới tổ chức khoa học - công nghệ của ngành, nâng cao về năng lực nghiên cứu,  phải tạo ra sản phẩm công nghệ mà thị trường cần chứ không phải những thứ các Viện có thể làm".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, phát triển khoa học - công nghệ là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bởi lẽ, đó là động lực cho phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy định hướng hình thành, phát triển những ngành kinh tế mới…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: "Các Viện nghiên cứu cần phải tạo ra sản phẩm, công nghệ mà thị trường cần chứ không phải những thứ các Viện có thể làm".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: "Các Viện nghiên cứu cần phải tạo ra sản phẩm, công nghệ mà thị trường cần chứ không phải những thứ các Viện có thể làm".

Bộ Công Thương có chức năng quản lý nhà nước đa ngành về kinh tế, cả trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Vì thế, nếu muốn phát triển không còn cách nào khác là phải ứng dụng khoa học – công nghệ và phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đều là những đơn vị khoa học – công nghệ có bề dày thành tích và truyền thống lịch sử từ 35 - 60 năm, có lĩnh vực nghiên cứu khoa học – công nghệ độc lập, gắn với các ngành, phân ngành, lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Hiện nay, ngành Công Thương đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành với định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá.

Do đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2795 ngày 30/10/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành đến năm 2030. Trong đó, xác định, các Viện nghiên cứu thuộc Bộ phải trở thành nhân tố nòng cốt trong mạng lưới tổ chức khoa học – công nghệ của ngành, được nâng cao về năng lực nghiên cứu, trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các Viện nghiên cứu trong ngành Công Thương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các Viện nghiên cứu trong ngành Công Thương.

Để hiện thực hoá định hướng này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm mà các Viện cần ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới.

Thứ nhất: Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tổ chức quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến ngành Công Thương cho cán bộ, viên chức của các Viện. Bởi đây là lực lượng nòng cốt tiên phong về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương.

Thứ hai: Khẩn trương rà soát, xây dựng định hướng, mục tiêu phát triển của đơn vị trong giai đoạn đến 2030 theo Chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương mới được phê duyệt. Trong đó, cần cụ thể hóa kế hoạch triển khai trong từng năm, từng giai đoạn, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu tái cơ cấu ngành, cũng như phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới, đặc biệt là yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba: Chú trọng xây dựng và phát triển năng lực khoa học – công nghệ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn để hình thành một hệ sinh thái đa dạng, linh hoạt, đóng góp những sản phẩm khoa học – công nghệ mang tầm quốc gia, khu vực.

Thứ tư: Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng gắn kết với các tập đoàn, tổng công ty, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Hay nói cách khác, lấy doanh nghiệp làm địa bàn để thực hiện, lấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, làm thước đo cho việc nghiên cứu ứng dụng của mình.

"Các Viện nghiên cứu cần phải tạo ra sản phẩm, công nghệ mà thị trường cần chứ không phải những thứ các Viện có thể làm", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.

Thứ năm: Tăng cường hợp tác với các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo có uy tín ở trong và ngoài nước nhằm trao đổi, chia sẻ, hợp tác nghiên cứu, tiếp thu trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý tiên tiến của khu vực và quốc tế, phù hợp xu thế hội nhập và sự phát triển công nghiệp 4.0.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo sau đại học và đào tạo cán bộ kỹ thuật tại doanh nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Viện, của ngành và của đất nước.

Bên cạnh đó, phải gắn kết chặt chẽ giữa các Viện, các cơ quan nghiên cứu, với các Trường cao đẳng, đại học trong nước. Đặc biệt là phải gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ với các Viện nghiên cứu để làm sao sản phẩm của mình hoặc đầu vào của bên này là đầu ra của bên kia và ngược lại.