17:27 06/02/2024

Bộ Y tế lấy ý kiến về quy định xác định nồng độ cồn khi lái xe

Phúc Minh

Bộ Y tế đang lấy ý kiến các chuyên gia, đơn vị chuyên môn để làm cơ sở đề xuất, xác định nồng độ cồn trong máu, hoặc hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã gửi công văn xin ý kiến các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa nghiên cứu cho ý kiến đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu, hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: Nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, cho ý kiến và gửi các đề xuất nội dung quy định về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước ngày 20/2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để đơn vị nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe.

Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp với Bộ Công an về một số vấn đề liên quan đến quy định nồng độ cồn với lái xe. Vấn đề này sẽ được hai Bộ và các cơ quan liên quan thảo luận trong thời gian tới.

Trao đổi về ý kiến đề nghị xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn "vượt ngưỡng" tại cuộc họp cung cấp thông tin y tế quý 1/2024 cuối tuần qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bởi nhờ có việc xử lý vi phạm nghiêm về nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông đã giảm khá nhiều.

Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê, sắp tới sẽ có con số cụ thể giảm số vụ tai nạn giao thông ra sao.

Liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm khi nồng độ cồn vượt khung, ông Khoa cho hay, quan điểm cá nhân thì trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nếu gây tai nạn thì phải xử lý hình sự. Trường hợp nồng độ cồn cao không đủ điều kiện lái xe thì cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cần tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa ra một quy định hài hòa.

Hiện mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Trong đó, với xe máy, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng. Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở, thì người điều khiển bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Với ôtô, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở, thì tài xế bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.

Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở, thì tài xế bị phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi từ 15 - 49. Tỷ lệ uống rượu bia ở cả 2 giới đang ngày càng gia tăng.

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu, và còn là nguyên nhân nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.

Uống rượu bia gây ra hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại cả với người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu, bia...

Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia...), hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội…