14:05 08/01/2024

Bùng nổ xu hướng tiêu dùng thực phẩm bền vững

Minh Nguyệt

Ngày 1/12/2023, tại Hội nghị COP28, tổng cộng có 134 quốc gia sản xuất 70% lượng thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới đã ký tuyên bố chung nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực phẩm và đồ uống (F&B) là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất, có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Báo cáo nghiên cứu F&B của The Business Research Company phát hành vào năm 2023 cho biết: thị trường F&B được kỳ vọng tăng quy mô lên hơn 9.225 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%. Bên cạnh đó, ngành F&B dễ hứng chịu các tác động do biến đổi khí hậu, phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nguồn cung nguyên liệu. Điều này thúc đẩy cộng đồng F&B hướng hoạt động sản xuất và kinh doanh theo chiến lược bền vững.

ĂN UỐNG LÀNH MẠNH, BỀN VỮNG

Theo Báo cáo Chỉ số Tetra Pak 2023, người tiêu dùng hiện đang cân nhắc nhiều về môi trường, bên cạnh sức khỏe cá nhân, khi mua thực phẩm. Theo đó, thị trường thực phẩm lành mạnh đã được hình thành khi người tiêu dùng chủ động tìm kiếm các sản phẩm có tác động tích cực đến sức khỏe của mình. Tuy nhiên giờ đây, việc quan tâm đến thực phẩm lành mạnh đã tăng thêm một bậc, khi có tới 70% số người được khảo sát cho rằng, các sản phẩm lành mạnh không nên gây hại đến môi trường; đồng thời, 54% sẵn sàng thay đổi chế độ ăn uống để góp phần giảm phát thải.

Theo đó, các sản phẩm không hoàn hảo về hình thức hoặc trải nghiệm nhưng đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng vẫn sẽ được ưa chuộng. Đặc biệt, dinh dưỡng từ thực vật đang được quan tâm. Các doanh nghiệp quan tâm tới việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ và sáng tạo để thúc đẩy tiềm năng của dòng sản phẩm này như là một dòng riêng đặc trưng (không phải chỉ để thay thế thịt). Ngoài ra, trên bao bì, các phương tiện truyền thông, doanh nghiệp cần cho người tiêu dùng thấy được khía cạnh lành mạnh của sản phẩm, ví dụ như “đã giảm độ mặn, độ ngọt”...

Chịu ảnh hưởng của các doanh nghiệp sản xuất, những nhà hàng đắt đỏ bậc nhất trên thế giới đến từ Tây Ban Nha, Pháp, Nhật… giờ đây cũng tự tin phục vụ thực khách những món ăn được làm từ nguyên liệu trong vườn nhà, hay mua từ chợ địa phương, thậm chí là những thực phẩm quen thuộc. Không chỉ giới hạn trong việc tự cung tự cấp hay trân trọng nguồn thực phẩm bản địa, xu hướng tiêu dùng thực phẩm bền vững còn được thể hiện qua cách các nhà hàng, quán ăn bảo vệ môi trường với việc hạn chế rác thải khó phân hủy ra môi trường như đồ nhựa hoặc giảm tối đa việc lãng phí thực phẩm.

Người tiêu dùng hiện đang cân nhắc nhiều về môi trường, bên cạnh sức khỏe cá nhân, khi mua thực phẩm.
Người tiêu dùng hiện đang cân nhắc nhiều về môi trường, bên cạnh sức khỏe cá nhân, khi mua thực phẩm.

Năm 2018, tại một hội nghị về thực phẩm hữu cơ ở Stockholm (Thụy Điển), một cộng đồng “đầu bếp bền vững” có tên The Chefs’ Manifesto đã được thành lập. Đến năm 2023, cộng đồng đã có mặt ở 60 quốc gia, thu hút hơn 150 bếp trưởng tham gia hỗ trợ  nhận diện xu hướng nấu ăn không gây hại cho cộng đồng, giảm thấp nhất tác động xấu tới môi trường, đảm bảo lành mạnh và bổ dưỡng…

“Cho dù là một đầu bếp được gắn sao Michelin danh giá hay làm việc tại bếp ăn của trường học, mỗi đầu bếp đều có thể thay đổi và đóng góp để hướng đến các mục tiêu bền vững”, Paul Newnham, nhà sáng lập The Chefs’ Manifesto, nhấn mạnh; đồng thời cho biết thêm: “Những thực phẩm mà con người ăn là chìa khóa nâng cao sức khỏe. Đầu bếp cũng là một người “thầy thuốc” đặc biệt, có thể chỉ dẫn cho khách hàng về lối sống lành mạnh. Với những ý nghĩa trên, ăn uống bền vững không những tốt cho sức khỏe mà còn có thể hỗ trợ nền kinh tế nông thôn và bảo vệ đất nông nghiệp trong khu vực”.

Tại Việt Nam, người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Theo Báo cáo của Cimigo về nhu cầu và xu hướng ăn uống lành mạnh, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi nhiều hơn cho thực phẩm hữu cơ và tự nhiên với 5/10 người tiêu dùng nhận biết được các tiêu chuẩn thực phẩm và tìm kiếm chúng khi lựa chọn sản phẩm; 72% những người có nhận biết các tiêu chuẩn thực phẩm cho rằng, họ sẽ sẵn sàng trả thêm 10% để mua các sản phẩm đạt tiêu chuẩn này...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2024 phát hành ngày 08-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Bùng nổ xu hướng tiêu dùng thực phẩm bền vững - Ảnh 1