Các nhà máy phía Bắc cần tuyển hàng chục nghìn công nhân
Các nhà máy tại 6 địa phương phía Bắc tham gia phiên giao dịch việc làm ngày 25/7 cần tuyển dụng hàng chục nghìn công nhân điện tử, công nhân may và sản xuất. Đây là cơ hội cho nhiều lao động đang tìm kiếm việc làm…
Ngày 25/7, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với 5 Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn và Ninh Bình đã tổ chức phiên giao dịch việc làm thường xuyên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối cung – cầu lao động.
Phiên giao dịch việc làm nhằm đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm trên địa bàn TP. Hà Nội cũng như các địa phương được tìm hiểu, lựa chọn việc làm phù hợp, tham gia phỏng vấn sơ tuyển tạo việc làm.
117 đơn vị, doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm tại 6 địa phương trên đã mang đến 41.282 chỉ tiêu tuyển dụng ở đa dạng các vị trí, lĩnh vực ngành nghề cho người lao động.
Bắc Giang là địa phương có tổng số chỉ tiêu tuyển dụng lớn nhất, vượt xa so với các tỉnh, thành phố còn lại với 31.600 chỉ tiêu. Các địa phương có chỉ tiêu tuyển dụng trên 1.000 là Ninh Bình với 4.069 lao động, Thái Nguyên 3.820, TP. Hà Nội 1.096…
Yêu cầu về trình độ không có sự chênh lệch nhiều giữa các nhóm lao động. Tuy nhiên, nhóm có kỹ năng, bằng cấp nhỉnh hơn một chút. Theo đó, các doanh nghiệp 6 địa phương cần tuyển dụng 14.501 lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, 14.567 lao động có trình độ cao đẳng – đại học trở lên, còn lại hơn 11.200 lao động phổ thông.
Nhu cầu tuyển dụng phân theo mức thu nhập cũng không có sự cách biệt nhiều. Trong đó, phổ biến nhất là mức từ 7 – 10 triệu đồng, chiếm 26,5% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Mức này chủ yếu dành cho đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
21% chỉ tiêu có mức thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng, dành cho những chỉ tiêu tuyển dụng vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng,…
18,6% có thu nhập từ 15 triệu đồng trở lên. Đây là mức thu nhập của các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Còn lại là mức lương được thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động trong quá trình phỏng vấn. Mức lương thoả thuận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ học vấn, vị trí công việc,…đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Xét theo nhóm ngành nghề, nhìn chung nhóm lao động trong lĩnh vực sản xuất có nhu cầu tuyển dụng cao hơn cả. Trong đó, công nhân điện tử là nhóm được các doanh nghiệp tìm kiếm nhiều nhất, lên đến 21.900 chỉ tiêu tuyển dụng, theo sau là nhóm công nhân sản xuất, lắp ráp với 8.265 chỉ tiêu, may với 5.787 chỉ tiêu.
Ngoài ra là các ngành nghề khác như: Kinh doanh – marketing; nhân viên kỹ thuật; công nhân cơ khí, đúc; ngành hàng không; nhân viên bán hàng; nhân viên văn phòng; công nhân xây dựng; kế toán; lái xe…
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm trực tuyến ngày 25/7 có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín tại các tỉnh, thành phố. Các công ty tuyển dụng các vị trí: Trưởng, phó các phòng ban, nhân viên kinh doanh – marketing, công nhân sản xuất linh kiện điện tử, công nhân cơ khí, nhân viên kỹ thuật…, sẽ giúp người lao động tìm kiếm, lựa chọn được công việc phù hợp với trình độ, nhu cầu của bản thân, có thu nhập để ổn định cuộc sống.
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố phía Bắc cũng được kì vọng mang lại kết quả tốt, nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu tại Sàn giao dịch việc làm. Đặc biệt là tạo cơ hội việc làm cho tất cả người lao động trên địa bàn TP. Hà Nội, cũng như các tỉnh, thành phố tham gia.
Với thị trường lao động Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo trong thời gian tới, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ; Hoạt động chuyên môn về khoa học công nghệ; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Lưu trú ăn uống; Nghệ thuật, giải trí...
Tuy nhiên, có một số nhóm ngành có thể giảm nhu cầu tuyển dụng như hoạt động kinh doanh bất động sản; Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ…
Để tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động Thủ đô, Trung tâm sẽ triển khai các kế hoạch, giải pháp kết nối việc làm, cung cấp đầy đủ các dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Cùng với đó, hình thành mạng lưới thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới cơ sở. Tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm đặc thù, gồm phiên chuyên đề theo ngành nghề và đối tượng lao động, phiên online với các tỉnh trên toàn quốc và phiên lưu động. Dự kiến, riêng trong tháng Bảy, tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm.