Các tỷ phú mới của thế giới được thừa kế tài sản nhiều hơn tự gây dựng
“Cuộc chuyển giao tài sản vĩ đại đang thực sự tăng tốc”, một nhà quản lý gia sản của UBS nhận định...
Năm nay, các thành viên mới của giới siêu giàu toàn cầu có tài sản được thừa kế nhiều hơn là do chính họ tạo ra - hiện tượng được ghi nhận lần đầu tiên bởi UBS trong 9 năm ngân hàng Thuỵ Sỹ này thực hiện nghiên cứu hàng năm về các tỷ phú trên thế giới.
Kết quả khảo sát của UBS cho thấy trong năm 2023, có 84 tỷ phú tự thân mới xuất hiện trên thế giới, với tổng số tài sản là 141 tỷ USD. Ngoài ra, có 53 tỷ phú mới là những người được thừa kế tài sản từ thế hệ trước, với tổng tài sản là 151 tỷ USD.
“Những người thừa kế của các tỷ phú đang chiếm ưu thế. Gộp chung lại, các tỷ phú mới xuất hiện trong năm nay có tài sản được thừa kế nhiều hơn tài sản có được từ kinh doanh. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ duy trì trong 20-30 năm tới, khi hơn 1.000 tỷ phú chuyển giao lượng tài sản ước tính 5,2 nghìn tỷ USD cho con cái của họ”, ông Benjamin Cavalli, trưởng bộ phận khách hàng chiến lược về quản lý gia sản toàn cầu của UBS, nhận định.
Nghiên cứu của UBS cũng cho thấy số tỷ phú trên thế giới đã tăng từ 2.376 người lên 2.544 người trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4/2023. Trong đó, các tỷ phú châu Âu có tài sản liên quan đến các công ty tiêu dùng là những người chứng kiến tốc độ tăng trưởng tài sản mạnh mẽ nhất.
“Cuộc chuyển giao tài sản vĩ đại đang thực sự tăng tốc”, ông Max Kunkel, giám đốc đầu tư mảng văn phòng quản lý gia sản và tài sản khách hàng tổ chức của UBS, nói với tờ Financial Times. Ông Kunkel nói thêm rằng kết quả khảo sát cũng cho thấy sự giảm tốc tương đối của việc tạo ra tài sản. “Báo cáo phản ánh rằng ngày càng khó để tạo ra tài sản trong môi trường lãi suất cao và có nhiều bấp bênh về kinh tế/địa chính trị”, ông nhấn mạnh.
Những phát hiện trên của UBS được đưa ra trong bối cảnh “cuộc chuyển giao tài sản vĩ đại” - từ thế hệ “baby boomer” (sinh từ năm 1946 đến 1964) đã đến tuổi già và thế hệ X (sinh từ sau 1964 đến 1980) sang thế hệ millenials (sinh từ sau 1980 đến 2000) và trẻ hơn. Công ty nghiên cứu Cerulli Associates ước tính riêng ở Mỹ từ nay đến năm 2045 sẽ có 73 nghìn tỷ USD tài sản được chuyển giao.
Nghiên cứu của UBS cũng phát hiện thấy 62% tỷ phú nói rằng “địa chính trị” là mối lo lớn nhất của họ trong kinh doanh, hơn cả lạm phát và khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, ông Kunkeo nói rằng các tỷ phú thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai có những mối lo ngại khác nhau về triển vọng kinh tế, trong đó những người thuộc thế hệ thứ nhất để ý nhiều hơn để rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ hơn là các nguy cơ trước mắt khác.
Giữa các thế hệ tỷ phú khác nhau cũng có sự khác biệt về loại tài sản mà họ ưa chuộng. Các nhà đầu tư nhiều tuổi hơn có khuynh hướng mở rộng danh mục sang trái phiếu và tín dụng tư nhân, trong khi các nhà đầu tư trẻ hơn chuộng cổ phiếu của các công ty niêm yết đại chúng và doanh nghiệp cổ phần tư nhân.
“Các nhà đầu tư tỷ phú lớn tuổi hơn thích tập trung vào những loại tài sản tạo ra thu nhập cố định, như trái phiếu và tín dụng tư nhân. Thế hệ sau nghĩ nhiều hơn đến các rủi ro dài hạn, như địa chính trị và sáng tạo”, ông Kunkel nói.
Nhận định về kết quả nghiên cứu của UBS, nhà quản lý gia sản Matthew Fleming của công ty Stonehage Fleming ở London nói: “Có lẽ thời kỳ tạo tài sản vĩ đại đã kết thúc”.
Theo ông Fleming, khảo sát khách hàng của Stonehage phát hiện nhiều điểm chung với kết quả mà UBS đưa ra. Địa chính trị là vấn đề quan trọng nhất mà các cá nhân siêu giàu cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư, trong khi các tỷ phú trẻ có khuynh hướng cân nhắc ảnh hưởng xã hội của tài sản mà họ sở hữu hơn là thế hệ cha mẹ họ.
“Việc những người thừa kế có trách nhiệm được tiếp quản một lượng tài sản lớn vào thời điểm này là một điều tốt. Việc quan trọng là đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo được chuẩn bị kỹ lưỡng để gánh vác trách nhiệm”, ông Fleming phát biểu.