Cách bảo quản nông sản, thực phẩm khô an toàn
Chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán, đây là thời điểm nóng lên của thị trường các mặt hàng thực phẩm. Các cơ quan chức năng không chỉ phải đảm bảo được nguồn cung ứng, tránh tình trạng tăng giá thực phẩm, mà còn cần kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm.
Với những mặt hàng khô, công nghệ bảo quản như thế nào, quy trình chế biến sấy khô ra sao luôn là điều người tiêu dùng quan tâm bởi hai chữ hóa chất luôn là điều ám ảnh bấy lâu nay.
Theo Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nhiều cơ sở chế biến vẫn giữ cách làm xông lưu huỳnh để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm khô. Điều này được cảnh báo gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng, tác động vào hệ thần kinh, hệ hô hấp.Hóa chất bảo quản sử dụng tràn lan, dùng phẩm màu không rõ nguồn gốc là một trong những mối nguy từ những sản phẩm, thực phẩm khô, đang khiến người tiêu dùng trở nên hết sức dè chừng với nhóm mặt hàng này dù cho nhu cầu vẫn rất cao. Điều này đặt ra đối với các cơ quan chức năng không chỉ đảm bảo nguồn cung ứng, còn cần kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, giám sát quy trình sản xuất, chế biến mặt hàng này. Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng nông sản – Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản – Bộ NN&PTNT cho biết, thông qua các hoạt động quản lý giám sát an toàn thực phẩm trong thời gian qua cho thấy, các cơ sở thường bảo quản chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, để trong các bao tải, trong kho, trực tiếp dưới sàn đất, bảo quản các sản phẩm này cùng với các sản phẩm khác, không được bao gói kín rất dễ gây mốc. Thực tế kiểm tra một số cơ sở có hiện tượng dùng phụ gia, phẩm màu chưa có trong danh mục được phép.Nếu như một sản phẩm mà có chứa phụ gia như phẩm màu chất bảo quản không có trong danh mục được phép hoặc vượt quá giới hạn cho phép có thể gây suy gan, suy thận ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, hệ thống miễn dịch cũng như nội tiết, thậm chí có thể gây ung thư.
Nguy cơ thứ hai là nhiễm vi sinh vật có thể gây tiêu chảy cấp hoặc thương hàn. Một điều rất quan trọng là những sản phẩm bị mốc sinh ra độc tố gây hại cho sức khỏe con người, tích lũy lâu dài gây ung thư gan.Để kiểm soát và hướng người sản xuất, chế biến kinh doanh an toàn, đối với hoạt động quản lý, hiện nay thực hiện theo quy định pháp luật cao nhất là luật an toàn thực phẩm, sau đó là nghị định của chính phủ về hướng dẫn thực hiện quy định về luật an toàn thực phẩm.Ngành NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 38/2018 quy định cụ thể bảo quản mặt hàng thực phẩm khô đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như vấn đề sử dụng hóa chất phụ gia trong chế biến. Mức sai lỗi được định vị trong nhóm chỉ tiêu này cũng ở mức độ nghiêm trọng.Để bảo quản nông sản khô, đối với cơ sở chế biến và kinh doanh, không sử dụng phụ gia, phẩm màu chất bảo quản, không có trong danh mục được phép, hoặc vượt quá giới hạn cho phép. Không sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ vào sản xuất chế biến. Cần tuân thủ vệ sinh ATTP. Đối với người tiêu dùng, khi mua hàng, nhìn bằng cảm quan, nếu có dấu hiệu mốc, tuyệt đối không nên mua. Không mua sản phẩm có màu sắc lạ. Sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hạn sử dụng đầy đủ.