12:48 27/06/2022

Cạnh tranh với Trung Quốc, G7 khởi động chương trình đầu tư hạ tầng 600 tỷ USD

Trang Linh

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến triển khai kế hoạch huy động 600 tỷ USD cho chương trình đầu tư hạ tầng trong 5 năm tới nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc...

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Getty Images

Thông tin này được ông Biden đưa ra khi bài phát biểu ngày 26/6 trong ngày đầu tiên của cuộc gặp thượng đỉnh G7 diễn ra tại Elmau, Đức.

“Cùng với các đối tác G7, chúng tôi đến sẽ huy động 600 tỷ USD trong thời gian đến năm 2027 để đầu tư vào hạ tầng toàn cầu”, Nhà Trắng cho biết sau bài phát biểu của ông Biden.

Sáng kiến này của G7, mang tên Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII), là phiên bản sửa đổi của sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (Build Back Better World) được giới thiệu tại cuộc họp thượng đỉnh thường niên năm ngoái. Theo một quan chức Mỹ, PGII nhằm mang đến giải pháp thay thế cho các mô hình cơ sở hạ tầng được cho là “bẫy nợ” của BRI.

“Mỹ sẽ huy động 200 tỷ USD cho sáng kiến của G7 trong vòng 5 năm tới thông qua viện trợ không hoàn lại, tài trợ liên bang và tận dụng các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân”, Nhà Trắng cho biết, đồng thời nhấn mạnh các dự án này sẽ tập trung vào năng lượng sạch, công nghệ truyền thông an toàn, hệ thống y tế…

“Đây mới chỉ là bắt đầu, Mỹ và các đối tác G7 có ý định huy động hàng trăm tỷ USD nữa từ các đối tác có chung chí hướng khác, các ngân hàng phát triển đa phương, tổ chức tài chính phát triển, quỹ đầu tư quốc gia…”, thông báo của Nhà Trắng nói thêm.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, ông Biden cũng đề cập đến ý tưởng về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tầng toàn cầu trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước châu Âu liên tục cáo buộc Trung Quốc đang gây gánh nặng cho các bên tham gia BRI bằng những khoản vay mà họ không thể hoàn trả.

Ra mắt vào năm 2013, BRI là sáng kiến về thương mại và đầu tư nhằm kết nối Trung Quốc với các nền kinh tế khác, giúp tăng sức ảnh hưởng của nước này trên toàn cầu thông qua việc xây dựng bến cảng, cầu và cơ sở hạ tầng khác tại các quốc gia đang phát triển. Dù đến nay không có dữ liệu chính thức về tổng số tiền đầu tư, chỉ riêng tại Mỹ Latin, Bắc Kinh đã tăng đáng kể đầu tư vào các dự án hạ tầng, giúp kim ngạch thương mại Trung Quốc – Mỹ Latin vượt 400 tỷ USD trong năm 2021. Trong khi đó, kim ngạch thương mại Mỹ - Mỹ Latin là 295 tỷ USD.

Thông tin với truyền thông ngày 26/6, một quan chức Mỹ công nhận sức ảnh hưởng của BRI trên thế giới nhưng bày tỏ tin tưởng rằng sáng kiến của G7 sẽ ưu việt hơn.  

“Phải thừa nhận rằng Sáng kiến Vành đai Con đường đã hoạt động được vài năm và thực hiện rất khoản giải ngân và đầu tư tiền mặt”, vị quan chức giấu tên nói. “Nhưng tôi cũng phải nói rằng chắc chắn chưa quá muộn (cho sáng kiến của G7), thậm chí chưa hề muộn chút nào”.

Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng “nhiều quốc gia” hợp tác với Trung Quốc đang phải hối hận và Bắc Kinh quan tâm hơn tới việc xây dựng chỗ đứng về kinh tế và địa chiến lược hơn là mang lại lợi ích cho người dân địa phương.

“Chúng tôi (G7) mang đến cho các bạn đề nghị đầu để thực sự cải thiện đất nước của các bạn, cải thiện nền kinh tế và mang lại tác động lâu dài tới GDP và người dân”, người này nói thêm.

G7 bao gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Vương quốc Anh và Canada. Trong đó, chỉ có Pháp và Italy đã tham gia BRI. Hồi tháng 2, Pháp và Trung Quốc thông báo kế hoạch cùng xây dựng 7 dự án hạ tầng ở châu Phi, Đông Nam Á và Đông Âu trị giá hơn 1,7 tỷ USD.