17:10 19/04/2021

Cấp bách gỡ vướng trong đầu tư đường Vành đai 3 Tp.HCM

Tuyết Nhi

Đường Vành đai 3 đi qua các 4 tỉnh dự định hoàn thành trước năm 2020. Nhưng đến nay, mới chỉ có 16,3 km/89 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác, 3 đoạn còn lại vẫn chưa thi công

Quy hoạch các đường Vành đai Tp. HCM
Quy hoạch các đường Vành đai Tp. HCM

Bộ GTVT vừa có văn bản số 3102/BGTVT – KHĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đường Vành đai 3 đi qua, Tp. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về phương án triển khai đầu tư dự án, để sớm triển khai dự án, tạo động lực phát triển vùng.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHẢI VÀO CUỘC

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011, cần phải hoàn thành xây dựng Vành đai 3 trước năm 2020. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 16,3 km/89 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác với quy mô 6 làn xe cơ giới, chiếm 18,3% tổng chiều dài Vành đai 3.

Về quy hoạch, dự án Đường vành đai 3 được chia làm 4 đoạn gồm. Cụ thể, đoạn 1, Tân Vạn - Nhơn Trạch dài 26,3km, đi qua địa phận Đồng Nai, Bình Dương, Tp. HCM. Đoạn 2, Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km, đi qua địa phận tỉnh Bình Dương. Đoạn 3, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 dài 17,5km, đi qua địa phận tỉnh Bình Dương và Tp. HCM. Đoạn 4, quốc lộ 22 - Bến Lức dài 29,2km, đi qua địa phận Tp. HCM và tỉnh Long An.

Do tính cấp bách của việc đầu tư xây dựng dự án, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án triển khai đường Vành đai 3. Tuy nhiên, đến nay chưa thu xếp được nguồn vốn. Bộ GTVT đã cập nhật giá trị tổng mức đầu tư, chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng trên từng địa phận các địa phương.

Để sớm triển khai dự án, tạo động lực phát triển vùng, trong bối cảnh nguồn lực quốc gia khó khăn, rất cần sự tham gia của cả trung ương và các địa phương. Bộ GTVT đề nghị các địa phương có ý kiến về khả năng các địa phương đảm nhận đầu tư các đoạn Vành đai 3 trên địa phận của mình. Trường hợp địa phương đảm nhận đầu tư, đề nghị các địa phương đề xuất cơ chế thực hiện. "Trường hợp đề xuất Bộ GTVT chủ trì đảm nhận, đề nghị các địa phương có ý kiến về khả năng đảm nhận toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng", công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

CHƯA CÓ PHƯƠNG ÁN VỐN CHO GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Tuy nhiên, trên thực tế, các phương án do Bộ GTVT đề xuất cũng rất khó thực hiện. Bởi hiện nay, đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng, Bộ GTVT có thể cân đối được, nhưng nguồn ngân sách của các địa phương rất "eo hẹp".

Đối với Đồng Nai, sau khi được phân tách, dự án Đường vành đai 3 có 2 dự án thành phần sẽ được triển khai trên địa bàn, gồm dự án thành phần 1A và phân đoạn 2A thuộc dự án thành phần 2. Theo dự kiến, dự án thành phần 1A sẽ được khởi công trong quý III/2021.

Trong đó, dự án thành phần 1A có chiều dài hơn 8,7km, điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP.Thủ Đức, TP.HCM. Riêng phân đoạn 2A có chiều dài khoảng 5km có điểm đầu giao cắt với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và điểm cuối giao cắt với đường tỉnh 25B. Theo tính toán, để thực hiện 2 dự án thành phần này, nguồn vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng riêng trên địa bàn Đồng Nai là hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Đồng Nai, ông Hồ Văn Hà, nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 của tỉnh tính bình quân cho từng năm chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng. Do đó, việc bố trí nguồn vốn hơn 2.000 tỷ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng là cực kỳ khó khăn. "Chỉ riêng việc bố trí hơn 1.000 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án thành phần 1A cũng đã rất khó khăn", ông Hà cho biết.

Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng kinh phí để đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến Vành đai 3 Tp. HCM cần khoảng 60.024 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 32.700 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 27.300 tỷ đồng.