10:27 12/03/2008

Chấm điểm doanh nghiệp vay vốn

Minh Đức

Doanh nghiệp vay vốn được “giám khảo” ngân hàng chấm theo các mức điểm ứng với khả năng được cấp vốn

Những con số gần đây cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã có chuyển biến đáng kể - Ảnh: Việt Tuấn.
Những con số gần đây cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã có chuyển biến đáng kể - Ảnh: Việt Tuấn.
Doanh nghiệp vay vốn được “giám khảo” ngân hàng chấm theo các mức điểm ứng với khả năng được cấp vốn.

Chậm nhất đến tháng 5/2008, các ngân hàng phải trình đề án xếp hạng tín dụng nội bộ lên Ngân hàng Nhà nước. Đây là một trong những hướng đi mới được triển khai trên toàn hệ thống nhằm từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Quản chặt hơn nợ xấu

Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được xem là một bước chuyển mới trong việc xác định và phân loại nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Sau quyết định trên, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được chọn là ngân hàng đầu tiên thí điểm việc phân loại nợ theo tiêu chuẩn cao hơn (theo Điều 7, Quyết định 493), tiếp cận với các chuẩn phân loại nợ của quốc tế.

Và dự kiến sau tháng 5/2008, khi các ngân hàng lần lượt trình các đề án của mình, một chuyển biến mới trong quản lý nợ xấu sẽ được triển khai, khi có thêm các thành viên khác lần lượt nối tiếp BIDV.

Việc xây dựng đề án xếp hạng tín dụng nội bộ, được giao cho mỗi thành viên, sẽ phản ánh năng lực của chính ngân hàng đó, đồng thời tạo sử chủ động và sát với điều kiện thực tế của mỗi ngân hàng. Điểm chung là nợ xấu của hệ thống sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, hiện đại hơn.

Những con số gần đây cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã có chuyển biến đáng kể. Ở khối ngân hàng quốc doanh, nợ xấu xoay quanh mức 3%. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ lệ này phổ biến dưới 2%, nhiều thành viên chỉ khoảng 1%.

Tuy nhiên, ngoài BIDV và gần đây là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), hầu hết các ngân hàng vẫn chủ yếu phân loại nợ theo “tiêu chuẩn Việt Nam”. Từ đây, một số tổ chức nước ngoài cho rằng nợ xấu thực tế của các ngân hàng Việt Nam cao hơn nhiều so với những tỷ lệ nói trên.

Chấm điểm mới cho vay

Tính đến thời điểm này, Ngân hàng Quân đội (MB) đã mất 5 năm theo đuổi và hoàn thiện đề án “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ MB”. Dự kiến trong tháng 3 này MB sẽ trình lên Ngân hàng Nhà nước; nếu được chấp thuận, đây sẽ là ngân hàng cổ phần đầu tiên quản trị rủi ro tín dụng theo thông lệ quốc tế.

Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của MB thực hiện xếp hạng toàn bộ các khách hàng vay vốn trên cơ sở chấm điểm các chỉ tiêu, bao gồm chỉ tiêu định tính và định lượng với các trọng số cho từng nhóm chỉ tiêu phù hợp với ngành, quy mô và lĩnh vực hoạt động của khách hàng.

Ngoài chức năng xếp hạng và phân loại nợ, hệ thống này còn bổ sung chức năng hỗ trợ ra quyết định cho vay, cho phép trích lập dự phòng trực tiếp và chiết xuất ra được các báo cáo theo yêu cầu quản trị.

Khi đưa hệ thống vào hoạt động, cán bộ tín dụng sẽ là những “giám khảo” xem xét doanh nghiệp và các dự án vay vốn, chấm theo thang điểm từ 20 đến 100, ứng với các hạng mức tín dụng từ D đến AAA để phân theo các nhóm nợ từ 1 đến 5, xếp loại rủi ro và đưa ra quyết định cho vay.

Với hệ thống này, việc đo lường và định dạng các rủi ro tín dụng được thực hiện thống nhất, tập trung trong suốt quá trình cho vay và quản lý khoản vay từ hội sở tới tất cả các điểm giao dịch.

Hệ thống này cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính khách hàng. Thời gian xử lý các giao dịch sẽ nhanh chóng hơn thông qua việc chấm điểm tự động. Các khách hàng được xếp loại tốt sẽ nhận được chính sách ưu đãi về giá, phí…

Tất nhiên, theo ông Lê Văn Bé, Tổng giám đốc MB, “không có phương pháp phân tích hay một hệ thống phức tạp nào có thể thay thế được kinh nghiệm và đánh giá chuyên môn của chính các cán bộ tác nghiệp”. Theo đó, ở đây cần sự phối hợp chặt chẽ giữa yếu tố con người và công nghệ.