Chặn các hoạt động thu lợi bất chính từ bán hàng đa cấp
Nghị định sửa đổi được xem là hành lang pháp lý mới giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thông qua việc điều chỉnh cơ chế bảo trợ quốc tế, ngăn ngừa các hoạt động trái phép hoặc thu lợi bất chính từ thị trường Việt Nam...
Qua hơn 3 năm triển khai Nghị định 40/2018/NĐ-CP, hoạt động bán hàng đa cấp được quản lý tốt hơn, các doanh nghiệp chân chính cũng được hưởng lợi nhờ việc thanh lọc các doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém.
Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp nhận thấy các quy định pháp luật vẫn cần phải được sửa đổi, hoàn thiện hơn nữa với mục tiêu tiếp tục nâng cao tính minh bạch trong hoạt động bán hàng đa cấp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, đảm bảo tính thống nhất và dễ hiểu, dễ áp dụng của từng quy định pháp luật.
Vì vậy, trên cơ sở khảo sát ý kiến của các địa phương, Bộ Công Thương đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), đến nay Dự thảo đã được xây dựng sửa đổi, bổ sung và đang được lấy ý kiến đóng góp từ người dân, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ vào tháng 12/2021.
Dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ làm rõ các quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó bổ sung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam cần có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp ba năm liên tiếp ở một quốc gia khác...
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ số tiền tương đương 5% vốn điều lệ, tối thiểu là 10 tỷ đồng, để đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Số tiền này được sử dụng để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bán hàng đa cấp khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đối với người tham gia bán hàng đa cấp.
Để sử dụng số tiền này, cần có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về xử lý các tranh chấp giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp về các nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, Nghị định 40 không quy định rõ thế nào là “Các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp”. Điều này ảnh hưởng đến việc xác định trường hợp nào được sử dụng tiền ký quỹ.
Để gỡ vướng mắc này, Dự thảo quy định cụ thể các trường hợp được sử dụng tiền ký quỹ để bảo đảm quyền lợi của người tham gia. Qua đó giúp người dân xác định được rõ quyền lợi của mình trước khi tiến hành các thủ tục pháp lý, hạn chế việc lãng phí thời gian, nguồn lực của cả người dân và chính quyền trong việc giải quyết tranh chấp và sử dụng tiền ký quỹ.
Bên cạnh đó, Dự thảo đề xuất nâng cao hiệu quả quản lý tại địa phương thông qua việc làm rõ điều kiện, trách nhiệm của người đại diện của doanh nghiệp tại địa phương. Đảm bảo người đại diện tại địa phương phải là người nắm bắt được hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, có đủ thẩm quyền và có trách nhiệm làm việc với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương theo yêu cầu.
Đặc biệt, Dự thảo nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thông qua việc điều chỉnh cơ chế bảo trợ quốc tế, ngăn ngừa các hoạt động trái phép hoặc thu lợi bất chính từ thị trường Việt Nam.
Về tỷ lệ hoa hồng, dự thảo bổ sung quy định về tỷ lệ hoa hồng tối thiểu trên doanh số bán hàng cá nhân của người tham gia nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động bán hàng của người tham gia.
Đồng thời, hạn chế nguy cơ các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng phát triển theo hướng chỉ tuyển dụng và tiêu dùng hàng hóa trong nội bộ hệ thống.
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi một số quy định cụ thể và một số vấn đề về thủ tục hành chính để đảm bảo thống nhất, thuận lợi trong thực hiện.