11:09 07/10/2011

Chế tài chưa đủ mạnh cho bảo hiểm tiền gửi

Lê Hường

Hơn 10 năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam họat động dựa trên cơ sở pháp lý còn nhiều bất cập

Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam được các chuyên gia Hàn Quốc đánh giá là chưa tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan, chưa tạo điều kiện cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi được tham gia hoạt động giám sát tài chính, đồng thời, thiếu chế tài cần thiết để xử phạt các cá nhân vi phạm.

Nội dung đánh giá trên được đưa ra tại buổi tọa đàm Luật Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 6/10.

Theo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tổng số phí bảo hiểm tiền gửi thu được từ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đến hết năm 2010 là 4.484 tỷ đồng, số thu phí hàng năm tăng trung bình trên 20%. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam họat động dựa trên cơ sở pháp lý còn nhiều bất cập. Do đó, với chủ trương hoàn thiện cơ sở pháp lý để tháo gỡ bất cập, nâng cao hơn nữa hoạt động của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Quốc hội đã đưa Luật Bảo hiểm tiền gửi vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Ông Jong Tae Kim, Giám đốc điều hành Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc nhận xét, mặc dù dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam đã quy định quyền hạn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi về việc tiếp cận nguồn thông tin của các tổ chức có liên quan nhưng họat động chia sẻ thông tin giữa các đơn vị có liên quan được quy định rất hạn chế.

Trong khi đó, đây lại là một trong những quyền lợi đáng chú ý của bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc cũng như các nước khác.

Cũng theo đánh giá của nhóm chuyên gia của bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc, dự thảo luật của Việt Nam xác định quyền yêu cầu thông tin của bảo hiểm tiền gửi chỉ dừng lại ở hạn mức và số tiền bảo hiểm, với lượng thông tin ít ỏi như vậy, liệu bảo hiểm tiền gửi có thể đánh giá tình hình và đưa ra đề xuất kịp thời hay không? Do đó, điều quan trọng được nhóm chuyên gia này đề xuất là cần đảm bảo quyền chia sẻ thông tin về tình trạng của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để có đề xuất kịp thời trước khi tổn thất xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã xác định vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chủ yếu là thanh toán bảo hiểm tiền gửi tuy nhiên vai trò này là khá hạn chế khi xem xét đến khía cạnh đảm bảo an ninh tài chính cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Ông Jong Tae Kim cho rằng liên quan đến việc xác định mục tiêu, bảo hiểm tiền gửi cần xem xét chính sách hỗ trợ các tổ chức tài chính yếu kém, ít nhất là ở mức độ cảnh báo sớm để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Việc tham gia chính sách bảo hiểm tiền gửi, các hạn mức bảo hiểm mặc dù đã có quy định nhưng vẫn còn khó khăn khi nhìn nhận quyển lợi người tham gia bảo hiểm.

Một điểm đáng lưu ý là không chỉ thiếu quy định cụ thể để đánh giá các tổ chức tài chính yếu kém, mà dự thảo cũng chưa được ra các chế tài để xử lý những cá nhân gây yếu kém các tổ chức tài chính. Do đó, “Luật Bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam nên có quy định để xử lý các cá nhân gây yếu kém cho tổ chức tài chính, đồng thời, xem xét đưa chính sách truy cứu trách nhiệm đối với các cá nhân này”, ông Jong Tae Kim nêu quan điểm.

Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, ông Jong Bae Kil cho biết, Luật Bảo hiểm tiền gửi của Hàn Quốc có quy định truy cứu trách nhiệm các cá nhân liên quan đến sự yếu kém của tổ chức tài chính. Cụ thể, truy cứu trách nhiệm dân sự đối với các đại cổ đông, cán bộ gây ra tổn thất do các hành vi vi phạm pháp luật, quy định trong các tổ chức tài chính yếu kém hoặc các tổ chức tài chính đã sử dụng vốn công.

Cũng trong trường hợp này, luật có quy định lập ban điều tra trách nhiệm gây tổn thất, yếu kém về tài chính, bao gồm cán bộ thanh tra Nhà nước và cán bộ của Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi, thực hiện công tác truy cứu trách nhiệm đối với những cá nhân liên quan gây ra sự yếu kém.

Thêm vào đó, luật cũng yêu cầu điều tra tài sản của các cá nhân liên quan đến sự yếu kém của tổ chức tài chính. Theo đó, bảo hiểm tiền gửi có thể thực hiện điều tra tài sản đối với những cá nhân gây ra sự yếu kém, bảo tồn các trái phiếu của công ty tài chính trái phiếu hoặc yêu cầu thu hồi nhà. Các biện pháp bảo tồn trái phiếu bao gồm tịch thu nhà và xử lý tại thời. Từ tháng 5/2002, bảo hiểm tiền gửi Hàn quốc đã thành lập và hiện đang điều hành “Trung tâm thông báo tài sản che giấu của những người liên quan đến sự yếu kém của tổ chức tài chính”.