12:49 06/10/2022

Chiêu lừa đảo sang Nhật Bản lao động cần lưu ý

Như Nguyệt

Nhật Bản là thị trường thu hút các lao động do có điều kiện làm việc và thu nhập tốt. Đây cũng là một trong các lý do mà các đối tượng hướng đến chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, cả tin.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa xét đơn kháng cáo của bị cáo Đỗ Văn Đồng (SN 1986, ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, cựu Giám đốc Công ty TNHH Taiyo Japan Quốc tế) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo bản án sơ thẩm, Công ty Taiyo Japan được thành lập năm 2019, do Đồng làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Công ty đăng ký 66 ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động việc làm. Tuy nhiên, công ty không có chức năng, dịch vụ và không được Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cấp phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Mọi hoạt động giao dịch kinh doanh của công ty đều thực hiện tại căn phòng ở tòa nhà FLC Complex, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Ngoài ra, bị cáo cũng không liên kết với tổ chức khác để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, song do cần tiền trả nợ, trả lương nhân viên và chi tiêu cá nhân nên Đồng vẫn “làm liều”.

Đồng đăng tuyển “kỹ sư cơ khí điện, điện tử, lắp ráp linh kiện và vận hành máy tiện CNC” trên trang Facebook cá nhân với thỏa thuận trọn gói đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản từ 5.000 - 6.000 USD tùy vào bằng cấp và vị trí công việc của mỗi người rồi thu tiền đặt cọc dao động từ 25-70 triệu đồng (triệu đồng). Đồng cũng hứa hẹn từ 4 - 6 tháng sau khi nộp tiền, người lao động sẽ được đi làm và cam kết, nếu người lao động không đi được sẽ trả lại tiền.

Tin tưởng Đồng nên từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2020 có 20 người đã nộp hồ sơ và tiền đặt cọc cho Đồng với số tiền 1,36 tỷ đồng. Nhận tiền và hồ sơ của những người lao động, nhưng Đồng sử dụng vào mục đích riêng. Bị cáo dùng tiền để trả nợ, chi trả tiền văn phòng, trả lương nhân viên…

Quá thời hạn cam kết, nhiều người thắc mắc về việc không thấy được liên hệ đi Nhật Bản. Lúc này Đồng dùng thủ đoạn làm giả các “giấy xác nhận nộp hồ sơ xin làm việc tại Nhật Bản” (thường gọi là giấy trình cục, có dấu đỏ, chữ nước ngoài) và giấy tư cách lưu trú rồi dán ảnh, điền thông tin của các bị hại để họ tiếp tục nộp tiền đợt sau.

Chờ đợi thời gian sau vẫn không thấy kết quả, nhiều người tìm đến văn phòng nhưng Đồng đã chuyển đi nơi khác để trốn tránh. Đến tháng 8/2020, các bị hại lần lượt nộp đơn tố cáo ra cơ quan công an.

Đến nay, Đồng mới hoàn trả số tiền 113 triệu đồng, còn chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Với hành vi trên, tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo 13 năm tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, có 2 bị hại kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt với Đồng và yêu cầu Đồng trả lại tiền đã chiếm đoạt.

Khi xem xét, tòa phúc thẩm cho rằng, các bị hại kháng cáo nhưng không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới nên không có căn cứ để tăng hình phạt với bị cáo. Còn về phần dân sự không thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm. Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì các bị hại có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan hi hành án dân sự thi hành án khoản tiền được trả lại.

Đối với hành vi làm giả các giấy trình cục, giấy tư cách lưu trú, do không thu giữ được các giấy tờ liên quan nên cơ quan công an không có căn cứ xử lý bị cáo về hành vi làm giả giấy tờ.