14:48 09/03/2009

Chính phủ Anh giành quyền kiểm soát nhà băng hàng đầu

Mai Phương

Chính phủ Anh tiếp tục giải cứu một tập đoàn ngân hàng lớn nữa ở nước này là Lloyds Banking Group

Theo kế hoạch công bố ngày 7/3, Chính phủ Anh sẽ đứng ra bảo lãnh cho số tài sản trị giá 260 tỷ Bảng, tương đương 367 tỷ USD, của Lloyds - Ảnh: AP.
Theo kế hoạch công bố ngày 7/3, Chính phủ Anh sẽ đứng ra bảo lãnh cho số tài sản trị giá 260 tỷ Bảng, tương đương 367 tỷ USD, của Lloyds - Ảnh: AP.
Chính phủ Anh tiếp tục giải cứu một tập đoàn ngân hàng lớn nữa ở nước này là Lloyds Banking Group thông qua một kế hoạch bảo lãnh tài sản khổng lồ. Đổi lại, cổ phần đa số trong tập đoàn này chính thức được trao cho Chính phủ Anh.

Theo kế hoạch công bố ngày 7/3, Chính phủ Anh sẽ đứng ra bảo lãnh cho số tài sản trị giá 260 tỷ Bảng, tương đương 367 tỷ USD, của Lloyds. Về phần mình, Lloyds sẽ trả cho Chính phủ số phí bảo lãnh là lượng cổ phiếu hạng B trị giá 15,6 tỷ Bảng, tương đương 5,2% giá trị tài sản được bảo lãnh, nâng mức cổ phần của Chính phủ Anh trong ngân hàng này lên mức 65% từ mức 43% hiện tại.

Trong trường hợp cổ phiếu hạng B của Lloyds mà Chính phủ Anh nắm giữ được chuyển đổi sang cổ phiếu phổ thông, mức cổ phần của Chính phủ tại Lloyds có thể lên tới 77%. Tuy nhiên, lượng cổ phần xác định quyền bỏ phiếu của Chính phủ trong Lloyds sẽ được giới hạn ở mức 75%.

Theo kế hoạch trên, Lloyds sẽ phải chịu trách nhiệm đối với 25 tỷ Bảng thua lỗ đầu tiên trong số tài sản 260 tỷ Bảng được Chính phủ bảo lãnh, 90% số thua lỗ tiếp theo sẽ do Chính phủ gánh chịu.

Như vậy, Lloyds đã trở thành ngân hàng thứ hai ở Anh, sau ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) tham gia vào kế hoạch bảo lãnh tài sản ngân hàng mà Chính phủ nước này công bố cách đây chưa lâu. Với thị phần 28% trên thị trường cho vay thế chấp nhà ở Anh, Lloyds hiện là ngân hàng cho vay địa ốc lớn nhất nước này.

Tới lúc này, giới quan sát bắt đầu dồn sự chú ý sang một ngân hàng lớn khác của Anh là Barclays và cho rằng sớm muộn gì Barclays cũng phải cầu viện Chính phủ. Tuần qua, giá cổ phiếu của Barclays sụt giảm tới 29% và thị trường đang hết sức quan ngại về khả năng ngân hàng này sẽ tiếp tục hứng chịu những khoản thâm hụt tài sản lớn hơn nữa trong thời gian tới.

Chương trình bảo lãnh tài sản cho các ngân hàng được xem là một trong số những nỗ lực mới nhất của Chính phủ Anh trong việc vực dậy nền kinh tế, thông qua việc giảm bớt gánh nặng tài sản xuất cho các ngân hàng, giúp các ngân hàng có thêm khả năng để cấp những khoản vốn vay mới.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này đã bị cản trở đáng kể bởi những bất đồng về mức phí bảo lãnh mà các ngân hàng phải trả cho Chính phủ, cũng như sự lưỡng lự của các ngân hàng trong việc nhường cổ phần cho Chính phủ.

Trong cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nước Mỹ hiện nay, hệ thống ngân hàng khổng lồ của Anh chịu tác động tàn phá nghiêm trọng.

Hai ngân hàng cho vay địa ốc hàng đầu nước này là Northern Rock và Bradford & Bingley đã bị quốc hữu hóa toàn  bộ. Ngân hàng HBOS thì bị Lloyds thâu tóm (chính vụ mua lại này khiến Lloyds điêu đứng). Hai “đại gia” Lloyds và RBS thì phải nhường quyền kiểm soát cho Chính phủ…

Đến cả ngân hàng lớn nhất châu Âu là HSBC mới đây cũng phải huy động 12,5 tỷ Bảng vốn mới thông qua phát hành thêm cổ phiếu, dù chưa phải tìm tới sự hỗ trợ của Chính phủ.

(Theo Reuters, Bloomberg)