Chính phủ yêu cầu sớm đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động
Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét…
Theo thông cáo phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Mức lương này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu trải qua qua 8 lần điều chỉnh, với mức tăng như sau: 15,2% (năm 2014); 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6/2022); 6% từ tháng 7/2022 đến nay.
Hiện lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu giờ tại vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách pháp luật phối hợp với Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện trong quý 2/2023 cho thấy, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại hơn 75% có thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Các bên liên quan đều thống nhất cần tăng lương tối thiểu vùng, song thời điểm tăng cần cân nhắc kỹ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn mức tăng từ 5 – 6% để vừa cải thiện đời sống của người lao động, vừa chia sẻ với doanh nghiệp, giúp ổn định nền kinh tế.
Trong khi đó, đại diện phía doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm chưa nên điều chỉnh tiền lương trong bối cảnh hiện nay, bởi doanh nghiệp cũng rất khó khăn, nhiều đơn vị đang phải gồng mình để duy trì việc làm cho người lao động.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa thống nhất được mức tăng cũng như thời điểm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết định lùi thời điểm họp các phiên tiếp theo vào quý cuối của năm 2023 thay vì quý 3 như thông lệ.
Bộ phận kĩ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất tăng dự kiến từ ngày 1/1/2024 hoặc ngày 1/7/2024, mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc làm sao để lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu.
Việc lùi chương trình làm việc của Hội đồng Tiền lương Quốc gia để các bên có đánh giá rõ hơn tình hình thị trường lao động, việc làm và sự phục hồi của doanh nghiệp trước khi đưa ra khuyến nghị Chính phủ một phương án cụ thể.