08:25 02/07/2007

Cho vay đầu tư chứng khoán: Khi ngân hàng rút vốn

Minh Đức

Các ngân hàng vượt mức cho vay theo quy định sẽ bắt đầu rút vốn. Quá trình này sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán?

Việc cắt ngang cho bằng tỷ lệ 3% tổng dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán theo quy định có thể sẽ gây sốc đối với cả ngân hàng, nhà đầu tư và thị trường chứng khoán - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc cắt ngang cho bằng tỷ lệ 3% tổng dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán theo quy định có thể sẽ gây sốc đối với cả ngân hàng, nhà đầu tư và thị trường chứng khoán - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngày 1/7, Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán bắt đầu có hiệu lực.

>>Theo dòng sự kiện

Cùng với đó, văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng vừa được ban hành. Các ngân hàng vượt mức cho vay theo quy định sẽ bắt đầu rút vốn. Quá trình này sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán?

Trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn, có nhiều câu hỏi và bức xúc liên quan đến sự thiếu rõ ràng, cụ thể trong quy định của Chỉ thị 03. Tuy nhiên, những bức xúc này đã phần nào được tháo gỡ trong Công văn số 7021, do Thống đốc Lê Đức Thuý gửi các tổ chức tín dụng cuối tuần qua.

Rõ hơn về đối tượng và lộ trình

Văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về cơ bản không có nhiều thay đổi so với nội dung của Chỉ thị 03. Bước đầu, những quy định trong Chỉ thị này được cụ thể hơn ở các khái niệm, lộ trình và một số điểm bổ sung đáng chú ý.

Trước khi có văn bản hướng dẫn, hầu hết các ngân hàng và nhà đầu tư đều ở trong trạng thái lo lắng vì đây là một chính sách khá đột ngột và việc cắt ngang cho bằng tỷ lệ 3% tổng dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán theo quy định có thể sẽ gây sốc đối với cả ngân hàng, nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, văn bản mới ban hành đã đưa ra một lộ trình nằm trong tính toán của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, từ 1/7/2007, các ngân hàng bắt đầu thực hiện rút vốn và đến 31/12/2007, lượng vốn cho vay nói trên phải đưa về mức 3% tổng dư nợ. Tức là các ngân hàng có một khoảng thời gian 6 tháng để đáo hạn các hợp đồng. Khoảng thời gian này, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, là đủ cho việc rút vốn về vì cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán chủ yếu là các kỳ hạn ngắn. Đồng thời, trong công văn hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu giải thích rõ hơn khái niệm “chứng khoán” trong hoạt động cho vay này.

Theo đó, dư nợ dạng này được xác định ở loại hình cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá đối với công ty chứng khoán, cho vay có cầm cố bằng chứng khoán và/hoặc đảm bảo bằng tài sản khác đối với khách hàng sử dụng vốn vay để mua các loại chứng khoán với mục đích đầu tư ngắn hạn và/hoặc dài hạn, cho vay ứng trước tiền đối với khách hàng đã bán chứng khoán và sử dụng vốn vay để mua chứng khoán, cho vay đối với khách hàng để bổ sung tiền thiếu khi lệnh mua chứng khoán được khớp, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để sử dụng số tiền chiết khấu mua chứng khoán; các khoản cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá dưới các hình thức khác mà khách hàng sử dụng vốn vay để mua chứng khoán.

Ngoài ra, để nắm rõ hơn, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ còn định hướng các ngân hàng, nhà đầu tư có thể hiểu khái niệm “chứng khoán” theo định nghĩa trong Luật chứng khoán hiện hành.

Điểm đáng chú ý trong văn bản hướng dẫn nói trên là khái niệm khách hàng không bao gồm: các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và đặc biệt là người lao động trong công ty nhà nước mua cổ phần lần đầu khi chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Trước đó, khi Chỉ thị 03 ban hành, nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại về khó khăn của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa lần đầu khi nắm bắt cơ hội mua cổ phần ưu đãi, bởi kênh ngân hàng được xem là một hỗ trợ cần thiết.

Tác động sẽ dàn trải

Chủ trương lớn, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các ngân hàng thương mại, tới nhà đầu tư và thị trường chứng khoán bắt đầu có hiệu lực. Thay vì những thắc mắc về quy định, các ngân hàng và nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về khả năng tác động của quá trình thực hiện đến thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh sụt giảm như hiện nay.

Với các ngân hàng quốc doanh, tác động này sẽ không lớn vì hầu hết các thành viên trong khối này đều chưa chạm trần quy định, hiện chỉ phổ biến dưới mức 2%, một số ngân hàng chỉ ở khoảng 0,5 – 0,6%. Về nguyên tắc, các ngân hàng này vẫn còn dư địa để tiếp tục triển khai cho vay loại hình này, nhưng định hướng chung là sẽ rất thận trọng. Là những ngân hàng có quy mô lớn nhất trên thị trường, tổng dư nợ rất lớn nên dư địa nói trên có thể tiếp tục cung một lượng tín dụng lớn vào thị trường chứng khoán.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khối ngân hàng quốc doanh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để họ tiếp cận vốn tham gia thị trường vì bản thân thị trường chứng khoán cũng cần một lượng vốn từ các ngân hàng thương mại đổ vào để phát triển và “tiêu hóa” một lượng cung dồn dập từ các đợt IPO (phát hành cổ phần lần đầu) của các doanh nghiệp, tổng công ty lớn từ nay đến cuối năm. Nhưng kỳ vọng này trở nên mong manh khi đại diện các ngân hàng quốc doanh cùng đề cập đến khả năng sẽ giảm dư nợ loại này thay vì tiếp cận mức cho phép.

Với khối ngân hàng thương mại cổ phần, tác động sẽ rất lớn vì hiện hầu hết các thành viên đều đã cho vay vượt mức 3% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Theo đó, hoạt động cho vay này sau 1/7 sẽ bắt đầu chốt lại song song với nỗ lực rút vốn về. Với những ngân hàng có tỷ lệ trên 7%, thậm chí tới 40 - 50%, việc rút vốn sẽ khó khăn hơn.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý, việc rút vốn này được thực hiện trong lộ trình từ nay đến cuối năm nên sẽ không có ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán. Từ thời điểm này, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu lo ngại đến khả năng sụt giảm lợi nhuận vì thu nhập từ hoạt động sinh lời cao này đã bị chốt lại.

Nhiều nhà đầu tư cũng đang lo lắng cho các hợp đồng đáo hạn, trong khi cổ phiếu bán ra để hồi vốn, đặc biệt là trên thị trường tự do không dễ thực hiện. Nếu đến hạn 31/12/2007, ngân hàng không rút được hết vốn về mức 3% thì sẽ như thế nào?