11:50 12/03/2013

Chốt phòng thủ cuối cùng của một số ngân hàng gặp rủi ro

Minh Đức

Rủi ro và nợ xấu đã tấn công chốt phòng thủ cuối cùng của một số ngân hàng thương mại

Với thị trường, quy mô vốn tự có là uy tín, sức mạnh của mỗi ngân hàng, 
thậm chí là một cam kết ngầm với khách hàng về năng lực bảo vệ họ trước 
rủi ro.
Với thị trường, quy mô vốn tự có là uy tín, sức mạnh của mỗi ngân hàng, thậm chí là một cam kết ngầm với khách hàng về năng lực bảo vệ họ trước rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố các dữ liệu cơ bản về tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng đến tháng 1/2013. Con số đáng chú ý nhất là sự sụt giảm của quy mô vốn tự có.

Dữ liệu này được công bố từ cuối tuần trước. Ban đầu, người tiếp cận có thể giật mình trước mức giảm bất thường của quy mô vốn tự có: tính đến 31/1/2013 so với cuối năm 2012, toàn hệ thống giảm 7,53%; khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm 1,8%; đặc biệt khối ngân hàng cổ phần giảm tới 17,37%.

Giật mình bởi một kênh dữ liệu khác mà VnEconomy tham vấn không phản ánh sự tương đồng. Mặt khác, đặt trong chuỗi thống kê từ tháng 4/2012 đến nay (thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công bố loạt dữ liệu này theo Thông tư 35), việc sụt giảm như vậy là bất thường.

VnEconomy đã tham vấn đầu mối chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước. Qua rà soát lại, thông tin báo cáo từ tổ chức tín dụng đã có nhầm lẫn dẫn đến sai số đáng kể. Cơ quan thanh tra giám sát đang yêu cầu đầu mối liên quan báo cáo và giải trình.

Và sau rà soát, dữ liệu chốt lại: tính đến 31/12/2012, quy mô vốn tự có của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm 3,79% so với cuối năm 2011; khối quốc doanh giảm 1,8% và khối cổ phần giảm 8,93%. Đây là một tham số chính để tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), nên việc điều chỉnh lại cũng dẫn đến CAR của hệ thống đến thời điểm trên là 13,63% thay vì 12,91%.

Với tỷ lệ trên, quy mô vốn tự có của các tổ chức tín dụng đã giảm 17.337 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2012. Do hạn chế về các mốc dữ liệu tham chiếu (cùng kỳ các năm trước đây không công bố), cũng như có những tác động khách quan, nên chưa thể xem đây là mức giảm mạnh hay không. Song, diễn biến trên là đáng chú ý.

Thứ nhất, đây là sự đứt gãy đầu tiên kể từ khi có dữ liệu cập nhật từ tháng 4/2012.

Thứ hai, các nguyên nhân từ thua lỗ và nợ xấu có là chính yếu hay do yếu tố mùa vụ và các yếu tố khách quan khác?

Vốn tự có của các ngân hàng thương mại bao gồm vốn điều lệ, lợi nhuận giữ lại chưa chia, các quỹ… Đây được xem là chốt chặn cuối cùng trong chuỗi phòng thủ của mỗi nhà băng trước các rủi ro. Thông thường, nó luôn nằm trong xu hướng tăng, do liên tục tích lũy suốt quá trình hoạt động.

Với thị trường, quy mô vốn tự có là uy tín, sức mạnh của mỗi ngân hàng, thậm chí là một cam kết ngầm với khách hàng về năng lực bảo vệ họ trước rủi ro.

Với chính ngân hàng, đây là một tham chiếu quan trọng điều chỉnh cho nhiều hoạt động, như để xác định tỷ lệ an toàn vốn, để xác định các giới hạn và trạng thái trong kinh doanh mà Ngân hàng Nhà nước ấn định, và nhất là về cấp tín dụng.

Nay, một sự sụt giảm như vậy là do đâu và có đáng lo ngại?

Ở yếu tố tác động thứ nhất, diễn biến trong tháng 1/2013 có yếu tố mùa vụ. Đây thường là thời điểm mà các ngân hàng thương mại tiến hành chi trả cổ tức hàng năm; sự sụt giảm so với tháng liền trước theo đó là bình thường và khách quan.

Nhưng năm nay lại có ngoại lệ. Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, phương án chia cổ tức năm 2012 phải báo cáo cụ thể, ngân hàng chỉ được chi trả khi đã đảm bảo trích lập dự phòng đầy đủ. Nhiều thành viên phải lùi kế hoạch chi trả cổ tức trước rào cản kỹ thuật này, dẫn đến tích tụ và gia tăng đáng kể quy mô vốn tự có của toàn hệ thống thời gian qua.

Tuy nhiên, trong thời điểm tính toán cho quy mô vốn tự có tháng 1/2013, một số ngân hàng thương mại đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2012, như Eximbank, DaiABank, KienLong Bank… Tổng hợp một cách tương đối (do rất nhiều ngân hàng hiện vẫn hạn chế cập nhật thông tin “nội bộ”), ước tính quy mô các ngân hàng thực hiện chi trả cổ tức trong tháng 1/2013 chỉ chưa đầy 3.000 tỷ đồng. Khoảng 14.000 tỷ đồng vốn tự có còn lại giảm đi do đâu?

Như đề cập ở trên, vốn tự có của ngân hàng thường trong xu thế tăng. Những tác động dẫn đến âm vào vốn là hạn hữu, do các nhà băng đã “hy sinh” lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro (với điều kiện phải đúng và đủ), hoặc do thay đổi về cơ cấu vốn để tính vốn tự có, đặc biệt là do kinh doanh thua lỗ.

Bên cạnh chi trả cổ tức với phần nhỏ, diễn biến trong tháng 1/2013 còn có yếu tố khách quan ở cả khối quốc doanh lẫn cổ phần là do nguồn vốn cấp 2 trong cơ cấu vốn tự có sụt giảm, do một số khoản giấy tờ có giá dài hạn đến kỳ đáo hạn.

Và thua lỗ cũng là một nguyên nhân chính, nhưng quy mô lỗ như thế nào, gắn với ngân hàng nào hiện vẫn là ẩn số.

Một tham khảo trong dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước là, ở khối ngân hàng cổ phần, tính đến 31/1/2013, quy mô vốn tự có đã nhỏ hơn quy mô vốn điều lệ, 166.794 tỷ đồng so với 178.249 tỷ đồng. Hay đã có hiện tượng lỗ ăn cả vào vốn điều lệ, mà nếu điều này có trên diện rộng là đáng lo ngại, bởi chốt chặn cuối cùng đã bị tấn công.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VnEconomy, tác động trên chỉ có ở 3 ngân hàng thương mại cổ phần trong nhóm phải tái cơ cấu. Trước đây, họ thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng không đúng quy định. Nay, cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước vào cuộc xử lý, yêu cầu thực hiện đúng và đủ, dẫn tới kết quả trên.

Còn tình hình chung, vốn tự có của phần lớn các ngân hàng thương mại khác đều tương đối ổn định và có tăng trưởng.