16:30 15/07/2024

Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ

Chương Phượng

Áp thấp nhiệt đới suy yếu trước khi đổ bộ vào đất liền, nhưng sẽ gây ra mưa lớn tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, lượng mưa phổ biến 70-150 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm. Mưa lớn trong những ngày tới nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở các khu đô thị rất cao…

Dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới.
Dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới.

Sáng 15/7/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì họp bàn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết vào sáng 15/7, vị trí áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển phía tây tây nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (từ 39 - 49 km/h), giật cấp 8.

Hiện áp thấp nhiệt đới đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 km/giờ, hướng với khu vực Đà Nẵng. Dự báo đến sáng 16/7, áp thấp nhiệt đới giữ nguyên hướng di chuyển với tốc độ khoảng 15 km/giờ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên nhiều vùng biển có gió giật mạnh, biển động. Theo đó, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động; Khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6. Biển động.

 

"Trên đất liền, cảnh báo từ 15 đến 17/7, áp thấp nhiệt đới gây mưa to ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm; khu vực Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 70-150 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm".

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Áp thấp nhiệt đới cũng gây sóng lớn trên hầu khắp các vùng biển. Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa), khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) và vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau sóng biển cao 2-4 m; vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sóng biển cao 1,5-3 m; vịnh Bắc Bộ sóng biển cao từ 1,5-2,5 m.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến sáng 15/7, đã kiểm đếm, hướng dẫn hơn 40.000 tàu với 196.000 người biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; trong đó, có 1.037 tàu với 6.187 người hoạt động tại vùng biển từ Quảng Trị - Quảng Ngãi và quần đảo Hoàng Sa. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấm biển từ chiều 14/7.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, cho biết theo dự báo, áp thấp nhiệt đới có gió chỉ mạnh cấp 6 nhưng các địa phương cần lưu ý những tàu thuyền nhỏ, nếu vẫn để ra khơi thì có nguy cơ bị tai nạn. Các địa phương cũng cần kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp, bởi hiện nay chỉ cần mưa lớn trên 100mm thì nguy cơ ngập lụt ở các khu đô thị rất cao.

"Bộ Giao thông vận tải rà soát các tuyến đường xảy ra sự cố, sạt lở; cần phân luồng phân tuyến, hạn chế, cấm không cho người dân đi vào các tuyến đường này", ông Luận kiến nghị.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo, ứng phó, giảm thiệt hại.

Để ứng phó với diễn biến thiên tai trong những ngày tới, đặc biệt là mưa lớn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các khu vực chịu ảnh hưởng rà soát lại hệ thống cống, rãnh, huy động lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, loại bỏ vật cản gây ách tắc dòng nước, khơi thông dòng chảy nhằm giảm thiểu vấn đề ngập lụt đô thị. Các địa phương chịu ảnh hưởng bởi áp thấp, hoàn lưu áp thấp cần phải đề phòng lũ quét, sạt lở đất, hạn chế tối đa tác động của loại hình thiên tai trên đến tính mạng, cuộc sống và sản xuất của người dân.

"Áp thấp nhiệt đới có khả năng suy yếu nhưng đối với các địa phương khu vực ven biển cần đề phòng mưa lớn, dông lốc", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng thiên tai còn diễn biến phức tạp, vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần chủ động theo dõi sát tình hình dự báo, cảnh báo của Cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia và thực tế tại địa phương để chủ động ứng phó.

"Sau vụ sạt lở tại Hà Giang ngày 13/7 gây hậu quả nghiêm trọng, nên chăng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tăng cường khuyến cáo các phương tiện tham gia giao thông không nên đi vào ban đêm, đặc biệt trong mùa mưa bão. Nếu các cơ quan chức năng thấy tình hình giao thông, bờ kè, thiên tai...không an toàn thì thực hiện lệnh cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm này, đặc biệt là ban đêm", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị Cục Thủy lợi rà soát lại toàn bộ hồ chứa thủy lợi, quan tâm chỉ đạo các địa phương tiêu úng kịp thời khi có tình huống xảy ra. Đối với khu vực ven biển, Thứ trưởng yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đề phòng dông lốc cục bộ.

Trên đất liền, các địa phương cần tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan…

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống...