08:39 18/09/2023

Chủ tịch Hội cấp thoát nước: Mỗi ngày có hơn 10 triệu m3 nước thải chưa qua xử lý xả ra môi trường, gây ô nhiễm!

Kiều Linh

Tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường rất thấp, trong khoảng 12 triệu m3 nước thải ra môi trường/ngày đêm trên cả nước hiện nay mới có khoảng 1,5 triệu m3 được xử lý, còn lại phần lớn đang xả thẳng ra môi trường....

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát biểu tại cuộc họp báo về ngành nước tuần qua, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho hay giá nước hiện nay đang áp dụng theo quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP “giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước”.

Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành điều chỉnh Thông tư số 44/2021/TT-BTC hướng dẫn khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, nhưng hiện nay giá nước thực tế nhiều nơi còn chưa được tính đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật, bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh để thực hiện các hoạt động như thực hiện cấp nước an toàn, đấu nối và duy trì đấu nối, quản lý rủi ro, lợi nhuận… và việc điều chỉnh giá còn kéo dài.

HƠN 10 TRIỆU M3 NƯỚC THẢI CHƯA QUA XỬ LÝ XẢ RA MÔI TRƯỜNG

Cũng theo ông Điệp, giá nước phụ thuộc nhiều yếu tố đầu vào như nước thô, điện. Trong khi đó, điện chiếm chi phí lớn mà 10 năm nay giá điện đã tăng cao, giá hóa chất biến động lớn nhưng giá nước đầu ra thì lại không tăng. Có những địa phương 10 năm nay chưa tăng giá nước. Tất cả nguyên nhân do yếu tố đầu vào mang tính thị trường nhưng giá đầu ra lại do cơ quan nhà nước điều tiết, ràng buộc.

"Nghiên cứu cho thấy chi phí người dân dành cho nước rất thấp so với các nước. Chúng ta gọi 1 cú điện thoại mất vài ba khối nước rồi, giá cước tăng giảm 10-30% không ai để ý nhưng giá nước tăng lên 1 chút 50-70.000 đồng là thấy có vấn đề", ông Điệp nhấn mạnh và cho biết thêm, ở Úc có công ty một năm tăng giá nước 3 lần theo thị trường, và như vậy mới là nền kinh tế thị trường hoàn hảo.

Về giá dịch vụ xử lý nước thải ra môi trường cũng là vấn đề quan tâm. Ở các nước, sử dụng một mét khối nước là 2 Euro trong khi phí nước thải gấp đôi 4 Euro. Xử lý nước thô thành nước sạch đơn giản hơn xử ly nước thải để đưa vào môi trường nhưng chúng ta chưa có giá dịch vụ mà chỉ thu 10% dịch vụ phí bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Cơ chế này do đó không hấp dẫn các nhà đầu tư, phí 10% chỉ đủ cho các công ty cấp thoát nước duy trì hoạt động thường xuyên, không đủ để nâng cao, cải tạo chất lượng nguồn nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

"Tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường rất thấp, trong khoảng 12 triệu m3 nước thải ra môi trường/ngày đêm trên cả nước hiện nay mới có khoảng 1,5 triệu m3 được xử lý, còn lại phần lớn đang xả thẳng ra môi trường. Nhiều phóng sự thấy rằng dòng sông, lưu vực, đen ngòm, đây là tiếng nói cấp thiết cần tất cả các bên quan tâm", ông Điệp nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi báo chí khi nào thì người dân Việt Nam có thể uống nước sạch tại vòi như nhiều quốc gia khác, theo ông Điệp, ở nhiều nước họ đầu tư đồng bộ từ nhà máy đến mạng lưới đường ống nên uống ngay tại vòi được, còn ở ta đường ống dẫn nước tới các khu dân cư đầu tư chưa đồng bộ, lắp đặt trong nhiều giai đoạn khác nhau nên chưa bảo đảm uống được nước sạch tại vòi.

Hiện nay nhiều đô thị lớn mong muốn hiện thực hóa việc uống nước tại vòi như ở Singapore nhưng tại Hà Nội, TP.HCM có tình trạng xen lẫn mạng lưới đường ống nước cũ được đầu tư từ rất nhiều năm với đường ống nước mới nên chất lượng không đảm bảo để uống tại vòi.

NHIỀU THÁCH THỨC CHO NGÀNH NƯỚC CẦN QUAN TÂM

Liên quan đến tình trạng giá bán nước sạch luôn có sự khác nhau giữa các địa phương, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã chứng khoán BWE), cho biết việc định giá bán nước sạch cho người dân ở các địa phương hiện nay phụ thuộc vào các yếu tố chính như chi phí lấy nước thô, giá điện, giá nhân công, tỉ lệ thu hồi nước sạch, và chi phí đầu tư các nhà máy nước.

Trong đó, chỉ riêng chi phí lấy nước thô tại các địa phương cũng có sự chênh lệch lớn, chẳng hạn ở miền Tây nước mênh mông nhưng muốn lấy nước thô đạt chuẩn xử lý thành nước sạch thì khó khăn hơn nhiều lần các vùng khác.

Ví dụ, một nhà máy nước sạch tại Long An phải lấy nước thô đạt chuẩn từ sông Tiền khu vực Đồng Tháp cách nhà máy khoảng 40km về để xử lý thành nước sạch. Và trên thực tế chi phí lấy nước thô về xử lý có chỗ chỉ tốn 2.000 đồng/m3, có chỗ tốn tới 5.000 đồng/m3.

Cũng theo ông Thiền, hiện đang có nhiều thách thức cho ngành nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu xảy ra. Bến Tre có thời gian không còn một giọt nước sạch nào, đã phải dẫn nước từ TP.HCM về để kịp thời có nước cho bệnh viện chữa bệnh cứu người. Bến Tre cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất Đồng bằng sông Cửu Long trong đợt hạn mặn lịch sử năm 2020. Toàn vùng không chỗ nào là không bị nhiễm mặn.

Không chỉ Bến Tre, nhiều địa phương khác cũng đối mặt với câu chuyện của biến đổi khí hậu, Hà Nội thời gian qua mưa nhiều, có những trận mưa rất lớn. Hà Nội cũng đã từng đối mặt với khó khăn bị mất nước khi đường ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ hồi tháng 10/2022.

Có rất nhiều thách thức gặp phải do biến đổi khí hậu. Tương lai, ngành nước sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn khi nước biển dâng nhanh hơn, nước nhiễm mặn nhiều.

"Lần đầu tiên, những người liên quan đến ngành nước sẽ quy tụ tại Bình Dương tham gia Tuần lễ nước sạch Việt Nam được tổ chức ngày 28 - 30/9, nhằm cùng chung tay tìm các giải pháp hóa giải thách thức của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước. Sự kiện có sự tham gia của các nhà khoa học kỹ thuật sản xuất nước, nhà khoa học kỹ thuật về thiết bị ngành nước, các nhà đầu tư, nhà quản lý vận hành.

Chúng tôi kỳ vọng với lực lượng đông đảo này, có thể tìm ra được các giải pháp khả thi để phát triển nguồn nước sạch bền vững”, ông Nguyễn Văn Thiền, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho hay.