07:37 13/06/2024

Chứng khoán Mỹ đạt đỉnh mới sau cuộc họp Fed và báo cáo CPI, giá dầu tiếp tục đi lên

Bình Minh

S&P 500 lần đầu tiên đóng cửa trên mức 5.400 điểm, dù Fed tiếp tục thể hiện sự cứng rắn bằng cách dự báo chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm nay...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ thiết lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/6), sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ghi nhận bước tiến khiêm tốn của tiến trình giảm lạm phát và báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy áp lực giá cả dịu đi. Giá dầu thô duy trì xu hướng hồi phục nhờ kỳ vọng rằng tình hình cung-cầu dầu toàn cầu có thể trở nên thắt chặt vào quý 3 năm nay.

Lúc đóng cửa S&P 500 tăng 0,85%, đạt 5.421,03 điểm. Đây là lần đầu tiên thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ chốt phiên trên mức 5.400 điểm. Nasdaq tăng 1,53%, đạt 17.608,44 điểm - một mức cao lịch sử mới. Trước đó, cả hai chỉ số này cùng đạt mức điểm đóng cửa và nội phiên cao chưa từng thấy trong phiên ngày thứ Ba.

Riêng chỉ số Dow Jones giảm điểm trong phiên này, với mức giảm 35,21 điểm, tương đương giảm 0,09%, còn 38.712,21 điểm.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed giữ nguyên lãi suất - một quyết định không nằm ngoài dự báo. Trong tuyên bố, Fed cũng phát tín hiệu rằng tình hình lạm phát đang có những chuyển biến tích cực: “Trong những tháng gần đây, đã có thêm bước tiến khiêm tốn về mục tiêu lạm phát 2% của Uỷ ban”.

Tuy nhiên, trong dự báo mới nhất đưa ra sau cuộc họp này, Fed dự kiến chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, thay vì 3 lần như dự báo hồi đầu năm.

Trước đó cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 cho thấy lạm phát dịu đi. Theo báo cáo này, CPI toàn phần tháng 5 không thay đổi so với tháng 4, thay vì tăng 0,1% như dự báo mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI toàn phần tăng 3,3%, cũng thấp hơn dự báo và chậm lại so với mức tăng 3,4% ghi nhận trong tháng 4.

CPI lõi cũng tăng yếu hơn so với dự báo xét cả về cơ sở tháng và cơ sở năm.

Một số chuyên gia nhận định việc Fed dự báo chỉ có một lần giảm lãi suất trong năm nay là cứng rắn, xét tới dữ liệu CPI đã giảm độ nóng.

“Báo cáo CPI đã giúp trung hoà sự cứng rắn của Fed. Phần lớn các nhà tham gia thị trường đều tin rằng nền kinh tế đang chậm lại và bởi vậy lãi suất sẽ giảm. Chúng tôi cho rằng vì lẽ này, thị trường đang không chấp nhận dự báo của Fed rằng sẽ chỉ có một lần giảm lãi suất trong năm nay”, nhà sáng lập Jay Hatfield của công ty InfraCap nhận định.

Số liệu CPI yếu hơn dự báo đã khiến cả tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng giảm. Chỉ số Dollar Index tụt về ngưỡng 104,7 điểm từ mức hơn 105 điểm của phiên trước. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc trượt tới 4,25%, mức thấp nhất kể từ hôm 1/4.

“Hơi thất vọng một chút khi Fed tiếp tục cứng rắn, vào một ngày mà thị trường có được số liệu lạm phát yếu nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây. Thị trường sẽ có chút chật vật vì Fed cứng rắn như vậy. Có lẽ, nhà đầu tư đã kỳ vọng Fed dự báo giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, nhưng cuối cùng Fed lại dự báo chỉ có 1 lần giảm lãi suất. Đó là sự cứng rắn”, chiến lược gia Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin Reuters.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,68 USD/thùng, tương đương tăng 0,83%, chốt ở mức 82,6 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,6 USD/thùng, tương đương tăng 0,77%, đạt 78,5 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ bởi khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay, cộng thêm một dự báo lạc quan hơn về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Một báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm nay sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày, thay vì tăng 0,9 triệu thùng/ngày như dự báo trước đó. Sự gia tăng như vậy của nhu cầu có thể dẫn tới thiếu cung, vì sản lượng dầu toàn cầu được dự báo chỉ tăng 0,8 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Trong phiên, có lúc giá dầu tăng gần 2%, nhưng sau đó mức tăng thu hẹp do số liệu thống kê hàng tuần cho thấy lượng dầu thô tồn kho tăng 3,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 1 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

“Trong ngắn hạn, thị trường dầu có thể trở nên thắt chặt”, chiến lược gia Martijn Rats của Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo. Ngân hàng đầu tư này dự báo thế giới sẽ thiếu cung 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý 3 năm nay và sự thắt chặt đó sẽ đẩy giá dầu Brent lên mức 86 USD/thùng.

Giá dầu đang trong xu thế hồi phục sau đợt bán tháo vào tuần trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup miêu tả diễn biến giá dầu những phiên gần đây là một thị trường đi ngang (rangebound) do mức độ biến động của giá dầu đang ở mức thấp. Citi cũng dự báo thị trường dầu sẽ chuyển sang trạng thái thắt chặt vào quý 3 năm nay do nhu cầu tiêu thụ dầu trong màu hè gia tăng.

Dù vậy, Citi cho rằng kế hoạch nâng sản lượng của OPEC+ từ tháng 10 năm nay sẽ gây áp lực lên giá dầu từ cuối năm nay và sang năm 2025, có thể khiến giá dầu Brent tụt về 60 USD/thùng.

Tính từ đầu năm, giá dầu Brent hiện tăng 7,2% và giá dầu WTI tăng 9,5%.