13:07 25/02/2024

Có khoảng cách lớn giữa tuổi nghỉ hưu và tuổi nghề?

Nhật Dương

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những lao động ở một số ngành, nghề đặc thù, làm việc trong điều kiện độc hại, nặng nhọc... đã được xem xét, quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Tuy nhiên, rất khó để đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến giải pháp căn cơ khắc phục khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề cập đến thực trạng đang diễn ra trong thị trường lao động là người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng đã chạm mốc tuổi nghề, đơn cử như may mặc, giày da... chỉ ngoài 40 tuổi, song nhiều nhà máy, xí nghiệp tìm cách sa thải, hoặc không tiếp nhận.

Điều này dẫn đến nhiều lao động đối mặt với quãng thời gian dài chờ nghỉ hưu, mà rất khó tìm được một việc làm khác ổn định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cho thấy khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu hiện nay là khá lớn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đưa ra giải pháp căn cơ để giải quyết bất cập nêu trên.

Về những vấn đề được đại biểu đề cập, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đồng thuận với nhận định về thực trạng khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu ở một số ngành, nghề, nhất là những ngành nghề đặc thù có tuổi nghề rất thấp, như vận động viên thể thao, diễn viên, nghệ sĩ hay một số nghề, công việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin...

Khi xây dựng Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB) khảo sát thực tiễn tại các địa phương, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, đề xuất giải pháp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương thảo luận kỹ lưỡng, trước khi trình Trung ương thông qua và ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. 

"Vấn đề đại biểu Quốc hội nêu diễn ra ở tất cả các nước, trong đó đặc biệt các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh càng lớn hơn. Các quốc gia đều không thể đồng nhất giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu", Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trả lời.

Đáng chú ý là định hướng tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 28- NQ/TW, đồng thời trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan, xem xét đến tính chất, điều kiện lao động của các ngành nghề. 

Theo đó, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam, và 60 tuổi đối với nữ, mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam, và 4 tháng đối với lao động nữ. 

Đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động), thì cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp). 

Như vậy, những lao động ở một số ngành, nghề mà đại biểu Quốc hội đề cập (ngành may mặc, giày da,...) đã được xem xét, quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam làm việc trong điều kiện lao động bình thường là đủ 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.

Để khắc phục những bất cập trong tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, đối với các ngành, nghề có tuổi nghề thấp, ngoài chính sách ưu đãi về tuổi nghỉ hưu, các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp, để tiếp tục sử dụng và phát huy những kinh nghiệm, sức lao động của người lao động.