Cổ phiếu bất động sản, ngân hàng vượt qua nỗi sợ
Thông tin hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh chiều muộn hôm qua khiến thị trường lo lắng về những ảnh hưởng tới cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Hai nhóm cổ phiếu này đã rung lắc mạnh trong sáng nay, nhưng ảnh hưởng là khá mờ nhạt...
Thông tin hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh chiều muộn hôm qua khiến thị trường lo lắng về những ảnh hưởng tới cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Hai nhóm cổ phiếu này đã rung lắc mạnh trong sáng nay, nhưng ảnh hưởng là khá mờ nhạt.
Cổ phiếu ngân hàng lọt vào tầm nghi ngờ của nhà đầu tư do là bên trung gian, vừa có thể đầu tư vào các trái phiếu đó, vừa bán cho các nhà đầu tư khác. Gần như toàn bộ các mã ngân hàng đều có thời điểm sụt giá sáng nay, duy nhất LPB, PGB còn xanh và NVB, VCB tham chiếu.
Cho đến hết phiên sáng, vẫn còn 18/27 cổ phiếu ngân hàng khắp các sàn giảm giá. BID rơi sâu nhất 1,58% và cũng là mã duy nhất rơi trên 1%. 8 mã tăng đã phục hồi thành công và tăng vượt tham chiếu. Mạnh nhất là LPB tăng 4,55%, NVB tăng 1,29%, PGB tăng 0,98%. Tuy vậy các mã này thanh khoản yếu, riêng LPB điều chỉnh giá kỹ thuật và thanh khoản cao gần 108 tỷ đồng.
Cổ phiếu bất động sản cũng bị tác động khá nhiều ở những phút đầu tiên. Từ vụ Tân Hoàng Minh, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản về lý thuyết đều bị “săm soi”. Hàng chục cổ phiếu trong nhóm bất động sản giảm mạnh. Chỉ số VNREAL giảm sâu nhất ngay những phút đầu tiên của đợt khớp lệnh liên tục, mất 0,73% so với tham chiếu. Nhiều mã bất động sản giảm mạnh như NVL có lúc giảm 2,2%, DXG giảm 2,52%, DIG giảm 3,05%, HQC giảm 2,87%, SCR giảm 1,89%, LDG giảm 3,73%...
Tuy vậy những áp lực nói trên không kéo dài và các nhóm cổ phiếu này phục hồi khá nhanh. Dù không phải tất cả đều có thể tăng trở lại vượt tham chiếu, nhưng mức giảm cũng thu hẹp đáng kể. Chỉ số VNREAL đến hết phiên sáng đã quay đầu tăng 0,43%.
Nói chung thị trường lúc này có tâm lý khá vững do đã trải qua liên tục các thông tin bất lợi. Ngược lại, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các ngân hàng không bị ảnh hưởng từ vụ Tân Hoàng Minh hoặc các doanh nghiệp bất động sản lành mạnh về tài chính và ít vay nợ.
Thị trường chung cũng chao đảo nhẹ trong phiên sáng với phần lớn thời gian VN-Index nằm dưới tham chiếu. Chỉ số này tại đáy ngay đầu phiên sáng – cũng là lúc cổ phiếu ngân hàng và bất động sản phản ứng mạnh nhất với thông tin – giảm khá nhẹ 0,25% so với tham chiếu. Nhóm ngân hàng, bất động sản tuy khá lớn đối với chỉ số, nhưng không phải tất cả các mã lớn nhất đều rơi sâu. Ví dụ VIC giảm 1,09% lúc 9h35, VHM giảm sâu nhất chỉ -0,39% hay VCB trụ được tham chiếu...
Mặt khác, nhóm blue-chips thể hiện rõ vai trò điều tiết thị trường trong những giai đoạn khó khăn. Rổ VN30 duy trì độ phân hóa tích cực và cổ phiếu phục hồi rất nhanh. Đầu phiên hầu hết các mã blue-chips cũng giảm, nhưng số tăng giá sau đó vượt trội. VHM đảo chiều tăng mạnh 1,05%, MSN tăng 1,2%, GVR tăng 0,96%, FPT tăng 1,37%, HPG tăng 0,55%... VN-Index trong 30 phút cuối phiên sáng đi lên khá nhanh và chốt phiên tăng 1,73 điểm tương đương 0,11% so với tham chiếu.
Điểm số tăng sáng nay không quan trọng bằng nỗ lực đảo chiều thành công, không chỉ ở chỉ số - dưới sự dẫn nhịp của blue-chips – mà còn ở độ rộng: Đáy sớm nhất và sâu nhất của VN-Index lúc 9h20, sàn HoSE chỉ có 122 mã tăng/228 mã giảm. Ở đáy thứ hai lúc 11h, độ rộng là 165 mã tăng/251 mã giảm và chốt phiên đã là 204 mã tăng/212 mã giảm. Từ chỗ giảm đồng loạt, thị trường duy trì được mức phân hóa cân bằng.
Thanh khoản sáng nay rất chậm, điều đó cũng là bình thường khi nhà đầu tư thận trọng dò phản ứng từ thị trường. Hai sàn niêm yết chỉ khớp được 13.222 tỷ đồng, giảm 25% so với sáng hôm qua. HoSE giảm 26% và rổ VN30 giảm 33%. Thanh khoản giảm một phần vì cổ phiếu ngân hàng ngưng trệ giao dịch, Toàn bộ các mã ngân hàng sàn HoSE chỉ chiếm 13,7% giá trị sàn này, tỷ trọng khá thấp so với mức 16% hôm qua. HPG, SSI, TCB là những cổ phiếu trong rổ VN30 giảm thanh khoản đáng kể so với phiên trước.
Khối ngoại sáng nay giao dịch rất nhỏ, tổng mức giải ngân ở HoSE chỉ đạt 403,7 tỷ đồng, tương đương 3,3% giá trị sàn. Mức bán ròng khoảng 72 tỷ đồng, tập trung là HPG -27,8 tỷ, VHM -24,4 tỷ, KDH -21,6 tỷ. Phía mua không có cổ phiếu nào đáng chú ý, duy nhất chứng chỉ FUEVFVND với 16,8 tỷ đồng.