Cổ phiếu dầu khí đột biến, áp lực bán tiếp tục đè nặng
Sau phiên giảm mạnh hôm qua thị trường đã không thể phục hồi lại được, áp lực bán gia tăng dần ép cổ phiếu giảm trên diện rộng. Dù vậy vẫn có khá nhiều mã vừa và nhỏ đi ngược dòng, đặc biệt nhóm dầu khí bứt phá...
Sau phiên giảm mạnh hôm qua thị trường đã không thể phục hồi lại được, áp lực bán gia tăng dần ép cổ phiếu giảm trên diện rộng. Dù vậy vẫn có khá nhiều mã vừa và nhỏ đi ngược dòng, đặc biệt nhóm dầu khí bứt phá.
VN-Index chốt phiên sáng giảm 2,56 điểm tương đương -0,2%. Đỉnh cao nhất chỉ số đạt được lúc 9h55 tăng 4,1 điểm. Như vậy biên độ dao động vẫn còn khá hẹp. Tuy nhiên cổ phiếu vẫn giảm giá khá mạnh do áp lực bán ở những mã riêng lẻ không liên quan nhiều đến khả năng nâng đỡ chỉ số.
Hai mã dầu khí xuất sắc dẫn dắt VN-Index sáng nay là GAS tăng 2,48% và PLX tăng 6,9%. GAS vốn hóa rất lớn, đứng thứ 3 thị trường nhưng PLX khá nhỏ, còn chưa lọt Top 25. Tuy nhiên mức tăng kịch trần của PLX cũng đóng góp 0,8 điểm, thêm GAS khoảng 1,1 điểm nữa cũng hỗ trợ chỉ số đáng kể trong bối cảnh rổ blue-chips đang rất yếu.
Nhóm dầu khí sáng nay tăng rất tốt: PVO tăng 8,47%, BSR tăng 7,11%, OIL tăng 6,73%, PVC tăng 2,41%, PVB tăng 2,32%, PVS tăng 1,78%. Đặc biệt nhiều cổ phiếu đã có đỉnh cao lịch sử như PVS hay đỉnh cao 11 tháng như BSR. Thanh khoản nhóm dầu khí truyền thống là không cao, nhưng hôm nay nhiều mã cũng đạt mức đỉnh nhiều tháng của chính mình. Dù vậy cổ phiếu dầu khí ngoài GAS và PLX thì không tác động gì đến thị trường chung.
Độ rộng VN-Index lúc chốt phiên sáng chỉ có 149 mã tăng/265 mã giảm. Tại thời điểm chỉ số tăng đạt đỉnh, độ rộng tới 213 mã tăng/145 mã giảm. Như vậy tình thế đã đảo ngược cho thấy có áp lực bán xuất hiện tranh thủ ở nhịp phục hồi.
Đặc biệt nhóm blue-chips vẫn đang thể hiện sự yếu ớt khi VN30-Index giảm 0,48% với độ rộng chỉ 9 mã tăng/20 mã giảm. Khá may mắn cho VN-Index là những blue-chips giảm sâu nhất cũng chưa phải là những mã vốn hóa lớn hàng đầu: VRE giảm 1,51%, SSI giảm 1,37%, FPT giảm 1,38%, HDB giảm 1,23%, MWG giảm 1,15%.
Mặc dù VN-Index giảm không đáng kể nhưng biên độ giảm ở cổ phiếu mạnh hơn nhiều. Cụ thể, sàn HoSE có 96 cổ phiếu đang rơi quá 1% so với tham chiếu, thanh khoản chiếm 35% tổng giá trị khớp của sàn. Bất ngờ là nhóm chứng khoán đang dẫn đầu cả về biên độ điều chỉnh lẫn thanh khoản. VND, SSI, VIX, VCI giảm cực mạnh với thanh khoản từ 200 tỷ tới trên 400 tỷ đồng. Trên tất cả các sàn, nhóm chứng khoán sót lại đúng DSC tăng 0,38% nhưng tới 18 mã giảm quá 2%. VND đang là cổ phiếu bị xả mạnh nhất với giao dịch 456,5 tỷ đồng, lớn thứ 2 thị trường và giá lao dốc 4,46%.
Trong 149 cổ phiếu đi ngược dòng sáng nay, chỉ 55 mã tăng được hơn 1% với thanh khoản tập trung gần 23% sàn HoSE. Những cổ phiếu thu hút dòng tiền tốt nhất là HPG tăng 1,41% thanh khoản 600 tỷ đồng; PC1 tăng 4,29% giao dịch 336,3 tỷ; HDG tăng 1,37% với 224,9 tỷ; GEX tăng 1,1% với 181,2 tỷ; CMG tăng 3,27% với 130,6 tỷ; DPM tăng 1,39% với 108,3 tỷ. Thậm chí chưa tới một nửa (19 mã) trong số 55 mã tăng tốt nhất này giao dịch được quá 10 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang là bên bán ra ròng lớn, riêng HoSE bị rút đi thêm 504,9 tỷ đồng. Khối ngoại thực ra không bán nhiều hơn, nhưng giảm mua đáng kể so với sáng hôm qua. Các cổ phiếu bị xả mạnh là VHM -75,5 tỷ đồng ròng, FPT -75,5 tỷ, MSN -55,8 tỷ, VND -29,4 tỷ, VIC -26,8 tỷ, HPG -26 tỷ, DGC -24,5 tỷ, STB -21,1 tỷ. Chỉ riêng các cổ phiếu trong rổ VN30 đã bị rút ròng 365,8 tỷ đồng. Bên mua duy nhất PC1 với 43,7 tỷ đồng là đáng kể.
Diễn biến phục hồi bất thành trong phiên sáng nay với mức thanh khoản khá lớn 11.670 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn cho thấy nhà đầu tư đang tranh thủ bán ra khi giá nảy trở lại. Đây là lựa chọn không bất ngờ vì VN-Index càng ngày càng có nhiều tín hiệu khó vượt đỉnh, trong khi giá đã đem lại lợi nhuận khá tốt vừa qua.