06:50 17/06/2023

Cục Quản lý giá: Nâng trần vé máy bay nội địa phải tính toán mức tăng phù hợp

Ánh Tuyết

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết việc nới trần giá vé máy bay hành khách nội địa được xem xét trên cơ sở đánh giá chi phí, tình hình thị trường và các yếu tố liên quan nhưng cần tính toán mức tăng phù hợp...

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng trần giá vận chuyển khách nội địa hạng phổ thông cơ bản với nhóm đường bay từ 500km trở lên. Tuy nhiên, hạng C, hạng phổ thông đặc biệt không áp trần.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng trần giá vận chuyển khách nội địa hạng phổ thông cơ bản với nhóm đường bay từ 500km trở lên. Tuy nhiên, hạng C, hạng phổ thông đặc biệt không áp trần.

Chiều ngày 16/6, tại buổi họp báo thường kỳ quý 2, đại diện Bộ Tài chính phản hồi thông tin về đề xuất nới trần giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến.

ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG VỀ CHI PHÍ, TÌNH TÌNH THỊ TRƯỜNG

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Bình, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết giá dịch vụ vận chuyển hành khách qua đường hàng không hiện là mặt hàng do Nhà nước định giá và hình thức định giá thông qua khung giá.

Theo đó, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải. Như vậy, thẩm quyền ban hành khung giá thuộc về Bộ Giao thông vận tải.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý giá, khi nằm trong danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, việc định giá phải tuân thủ theo quy trình, trình tự, phương pháp cụ thể.

 

Có nhiều yếu tố cấu thành giá, để đánh giá rõ và tính toán mức tăng cụ thể, Bộ Giao thông vận tải được giao thẩm quyền và tính toán mức tăng phù hợp, đảm bảo nội dung liên quan và đúng quy định về mặt phương pháp và cách thức tính giá, dựa trên cơ sở đánh giá chi phí, tình hình thị trường.

Khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được áp dụng từ tháng 7/2019, quy định giá trần theo cự ly của từng đường bay tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa (Thông tư số 17).

Theo đó, giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá vé 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều tùy cự ly, chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.

Các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức, thông thường có từ 10 - 15 mức, tương ứng với các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau.

Hiện Việt Nam đang là một trong số ít các nước trên thế giới còn áp dụng khung giá vé máy bay trên các đường bay nội địa.

So sánh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách tại Thông tư số 17 hiện hành và dự thảo mới.
So sánh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách tại Thông tư số 17 hiện hành và dự thảo mới.

Theo dự thảo thông tư mới, với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư số 17.

Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải đề xuất nâng giá vé tối đa áp dụng cho nhóm đường bay từ 500km trở lên, với mức tăng tương ứng từ 50.000 - 250.000 đồng tùy cự ly, lên mức từ 2,25 - 4 triệu đồng/vé/chiều.

Theo đó, với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé.

Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100 nghìn đồng so với quy định hiện hành.

Ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định hiện hành.

Cuối cùng, mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên, cao hơn quy định hiện hành 250 nghìn đồng.

BỎ TRẦN MỘT SỐ HẠNG VÉ, KHÔNG CẤM PHÁ GIÁ

Trước đó, góp ý một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo Luật giá (sửa đổi) và gửi Bộ Tài chính tổng hợp, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị sửa đổi quy định chi tiết hơn tại Phụ lục 2 dự thảo Luật giá theo hướng: “Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản” thay vì “Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa” do Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa.

Theo lý giải của bộ này, việc điều chỉnh tên dịch vụ để phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh của các hãng hàng không theo chiến lược kinh doanh, đội tàu bay, chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không mà các hãng chủ động phân thành các hạng vé với điều kiện, dịch vụ khác nhau.

Bởi hạng phổ thông cơ bản là hạng vé đáp ứng được nhu cầu cơ bản của hành khách khi tham gia vận chuyển bằng đường hàng không, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số vé cung ứng của hãng hàng không.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không thường cung cấp các dịch vụ dành cho khách hàng có yêu cầu đặc biệt như hạng C, hạng phổ thông đặc biệt, đây là các dịch vụ cao hơn mức phổ thông của đa số hành khách.

 

"Chính sách giá vé của các hạng dịch vụ này không tác động đến số đông hành khách tham gia vận chuyển bằng đường hàng không mà chỉ tác động đến một tỷ lệ rất thấp khách hàng là những người có khả năng chi trả và có yêu cầu về chất lượng dịch vụ cao hơn như: phòng thương gia, khoang ghế ngồi, ưu tiên thủ tục, phục vụ ăn uống…", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.

Do đó, việc quy định mức tối đa đối với các vé như hạng C hay hạng phổ thông đặc biệt sẽ hạn chế việc đầu tư, nâng cấp, đa dạng hóa sản phẩm của các hãng hàng không, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Bên cạnh đó, trong văn bản góp ý hoàn thiện dự thảo Luật giá, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị bổ sung dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không vào tiểu mục g) tại khoản 5 Điều 8 về trường hợp hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Bởi theo phân tích của Bộ Giao thông vận tải, dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại hàng hóa, dịch vụ không lưu kho được. Kể từ khi đóng cửa tàu bay thực hiện chuyến bay, những chỗ chưa được bán trên chuyến bay là ghế trống và không còn giá trị sử dụng.

Dịch vụ vận chuyển hàng không cũng có tính thời vụ, mùa vụ cao, biến động cung cầu thay đổi theo thời điểm, mùa rất rõ rệt. Do đó, tùy thuộc nhu cầu đi lại của hành khách, kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không thường có mùa cao điểm, mùa thấp điểm.

Theo đó, chuyến bay có giờ bay phù hợp sẽ có nhiều hành khách mua vé, thậm chí sẵn sàng trả giá cao có thể mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu của khách hàng và ngược lại những chuyến bay muộn, bay ban đêm thường ít hành khách.

Do vậy, việc các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá phù hợp theo từng chuyến bay, thời gian bay của từng thời vụ là cần thiết.

"Đối với những chuyến bay mùa thấp điểm, giờ bay muộn, thường có giá vé phù hợp nhằm khuyến khích, kích cầu hành khách nhằm lấp đầy chỗ trống trên tàu bay. Doanh thu, chi phí của các hãng hàng không sẽ được tập hợp theo chuyến bay, chặng bay chứ không phải theo từng vé cung ứng", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ trường hợp cần thiết phải hạ giá vé máy bay.

KHÔNG ĐEO "VÒNG KIM CÔ" VỚI VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất không thực hiện định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên các đường bay nội địa.

Theo thống kê, thị trường vận chuyển hàng không nội địa Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 5 hãng hàng không Việt Nam là: Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Viettravel Airlines với đội tàu bay khai thác 100% là chủng loại tàu bay chuyên chở hành khách, kết hợp vận chuyển hàng hóa, bưu kiện.

Do các hãng hàng không chưa đưa vào khai thác chủng loại tàu bay chuyên chở hàng hóa chuyên dụng nên hoạt động vận chuyển hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào các chuyến bay chuyên chở hành khách.

"Thông thường, sau khi ưu tiên tính toán tải trọng hành khách, hành lý ký gửi theo hành khách, các hãng hàng không mới thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa kết hợp trong lượng tải còn dư thừa", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Bên cạnh đó, "hiện nay, thị trường vận chuyển hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh, thị trường tự điều tiết mức giá phù hợp nhu cầu của người sử dụng dịch vụ, việc Nhà nước thực hiện định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa qua đường hàng không là không thực sự cần thiết", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Trong quá trình tổng kết Luật Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cũng định hướng sửa đổi quy định theo hướng không định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa.

"Nếu tiếp tục định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa thì chính sách sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, việc xin ý kiến và đánh giá tác động của chính sách này đối với các đối tượng chịu tác động là chưa có theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng không đáp ứng tiêu chí về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật Giá (sửa đổi)", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.