18:48 08/05/2023

Những điểm chưa hợp lý trong phân loại thẩm định viên về giá tại Dự thảo Luật Giá sửa đổi

Dương Thành Đạt

Mặc dù phân loại thẩm định viên theo lĩnh vực thẩm định giá hay loại hình tài sản là một bước tiến bộ và cũng là xu thế tất yếu; tuy nhiên, việc phân loại theo lĩnh vực thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp như tại Dự thảo Luật Giá sửa đổi vẫn có những điểm chưa hợp lý và tiềm ẩn sự chồng chéo, bất cập sau này...

Thẩm định giá là một lĩnh vực liên ngành.
Thẩm định giá là một lĩnh vực liên ngành.

Tại Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đã bổ sung nhiều quy định mới trong việc quản lý lĩnh vực thẩm định giá nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm định giá, ngăn ngừa tiêu cực. Đáng chú ý là việc cấp thẻ thẩm định viên về giá theo lĩnh vực thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp. Đây là một bước tiến trong Luật Giá sửa đổi. Tuy nhiên, còn những điểm chưa phù hợp trong việc phân loại thẩm định viên theo lĩnh vực tại dự luật.

PHÂN LOẠI THẨM ĐỊNH VIÊN THEO LOẠI HÌNH TÀI SẢN ĐỊNH GIÁ

Hiện nay, tại Việt Nam, người được cấp thẻ thẩm định viên về giá có thể tham gia thẩm định giá mọi tài sản ở các lĩnh vực khác nhau, từ đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng, mỏ quặng đến các động sản như máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, phương tiện chuyên dụng, hàng hóa, cây cối, tài sản tài chính, tác phẩm nghệ thuật, tài sản vô hình, doanh nghiệp… 

Để được cấp thẻ Thẩm định viên về giá của Bộ Tài chính, người hành nghề sẽ phải trải qua kỳ thi sát hạch gồm 1 môn ngoại ngữ và 5 môn chuyên ngành: (i) pháp luật áp dụng trong lĩnh vực giá và thẩm định giá; (ii) nguyên lý hình thành giá cả thị trường và nguyên lý căn bản về thẩm định giá; (iii) thẩm định giá bất động sản; (iv) thẩm định giá máy, thiết bị; (v) thẩm định giá doanh nghiệp.

Vì thẩm định giá là một lĩnh vực liên ngành, thẩm định viên về giá cần phải được trang bị một lượng kiến thức rất rộng. Trong khi đó, việc dàn trải quá nhiều loại hình tài sản của nhiều lĩnh vực khác nhau (trong đó có những tài sản đặc thù) khiến thẩm định viên thiếu đi sự chuyên sâu cần thiết của một người làm lĩnh vực tư vấn.

Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Thẩm định giá, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính – đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Giá sửa đổi, số liệu thống kê cho thấy chỉ có khoảng 20-30% thẩm định viên về giá tham gia thẩm định giá doanh nghiệp, tài sản tài chính, còn 70-80% chủ yếu thực hiện thẩm định giá bất động sản và động sản. Trong khi đó, việc thẩm định giá giá trị doanh nghiệp và tài sản tài chính đòi hỏi người hành nghề phải có kiến thức rất sâu về kế toán và phân tích tài chính.

Hiện nay, nhiều thẩm định viên về giá mặc dù không bao giờ làm thẩm định giá doanh nghiệp nhưng vẫn phải học đầy đủ và thi môn thẩm định giá doanh nghiệp; đồng thời, phải tham gia học cập nhật kiến thức bắt buộc hàng năm đối với cả nội dung này. Do vậy, việc chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực như Dự thảo Luật Giá sửa đổi được kỳ vọng sẽ giúp thẩm định viên tập trung bồi dưỡng những kiến thức kỹ năng chuyên sâu và giảm tải những môn học không thuộc định hướng; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá theo hướng chuyên nghiệp.

NHỮNG ĐIỂM CHƯA HỢP LÝ

Mặc dù phân loại thẩm định viên theo lĩnh vực thẩm định giá hay loại hình tài sản là một bước tiến bộ và cũng là xu thế tất yếu; tuy nhiên, việc phân loại theo lĩnh vực thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp như tại dự luật vẫn có những điểm chưa hợp lý và tiềm ẩn sự chồng chéo, bất cập sau này.

Trong dự thảo Luật Giá hiện nay chưa quy định rõ thế nào là “thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản” và thế nào là “thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp”. Để hiểu được “lĩnh vực thẩm định giá tài sản” gồm những nội dung nào, trước hết cần phải hiểu khái niệm về đối tượng thẩm định giá – “tài sản”.

Mặc dù Dự thảo Luật Giá không đưa ra định nghĩa tài sản, tuy nhiên Bộ Tài chính cũng đã đưa ra ý kiến giải trình lý do không giải thích từ ngữ “tài sản” vì khái niệm tài sản đã được quy định tại Bộ Luật dân sự.

Theo Điều 105 Luật Dân sự 2015, tài sản là “vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Tại Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Tòa án Nhân dân tối cao đã đưa ra hướng dẫn như sau:

“Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, thì giấy tờ có giá bao gồm:

a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005;

b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;

c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009;

d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010);

đ) Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”…

Như vậy, từ những căn cứ pháp lý trên, người được cấp thẻ thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản sẽ thực hiện thẩm định giá tài sản, bao gồm cả tài sản là giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; hợp đồng góp vốn đầu tư. Đây là những tài sản tài chính và đòi hỏi thẩm định viên phải có kiến thức tài chính chuyên sâu mới có thể thẩm định giá các “tài sản” này.

Ngay cả khi không tính tới các tài sản là “giấy tờ có giá”, thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản cũng sẽ phải thẩm định giá bất động sản bao gồm bất động sản là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Để thực hiện thẩm định giá bất động sản hiện có, chẳng hạn như trung tâm thương mại, dự án khu đô thị phức hợp, các dự án bất động sản cao cấp, dự án bất động sản công nghiệp và các dự án bất động sản hình thành trong tương lai khác, thẩm định viên cũng phải được trang bị những kiến thức hết sức chuyên sâu về phân tích tài chính không thua gì các thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp.

Như vậy, nếu khái niệm “tài sản” được hiểu theo nghĩa được nêu tại Luật Dân sự thì để đảm bảo chất lượng dịch vụ, thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản vẫn phải có sự chuyên sâu về phân tích tài chính và phải học, thi đầy đủ các môn tài chính không kém gì thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, để thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp cũng sẽ phải học đầy đủ kiến thức chuyên sâu về thẩm định giá bất động sản và động sản như thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản.

Theo Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 12, ba cách tiếp cận áp dụng trong thẩm định giá doanh nghiệp bao gồm: cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập. Cách tiếp cận chi phí dựa trên quan điểm cho rằng giá trị doanh nghiệp bằng tổng giá trị các tài sản của doanh nghiệp. Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo cách tiếp cận chi phí được sử dụng là phương pháp tài sản - đây thường được coi là phương pháp an toàn nhất, là phương pháp quan trọng để xác định giới hạn dưới của giá trị doanh nghiệp.

Tài sản của doanh nghiệp thông thường sẽ bao gồm động sản (máy móc thiết bị, phương tiện, công cụ, hàng hóa,…) và bất động sản (đất đai, nhà xưởng…). Để thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp bằng phương pháp tài sản, thẩm định viên thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp vẫn phải thực hiện ước tính giá trị tài sản là động sản và bất động sản giống như thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản.

Do đó, việc phân loại thẩm định viên về giá theo hai lĩnh vực: thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp như đề xuất tại Dự thảo Luật Giá sửa đổi có thể không giúp đạt được mục tiêu chuyên môn hóa nghiệp vụ của thẩm định viên.