17:41 19/07/2021

Cung ứng thực phẩm cho miền Nam: Giảm thị phần chợ đầu mối, tăng thị phần doanh nghiệp thương mại

Chu Khôi

Để giải quyết câu chuyện vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ giảm hiện nay tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu chuyển dịch năng lực cung ứng lương thực theo hướng giảm thị phần của các chợ đầu mối, tăng năng lực thị phần của các doanh nghiệp thương mại...

Cần điều chuyển chuỗi cung ứng thực phẩm tại TP.HCM
Cần điều chuyển chuỗi cung ứng thực phẩm tại TP.HCM

Chiều 19/7/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh miền Nam nhằm “Thúc  đẩy sản xuất, cung ứng nông sản tại các tỉnh miền Nam trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”.

RAU TĂNG GIÁ, THỊT GIẢM GIÁ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu thàng 7/2021 đến nay, giá nhiều lương thực, thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng mạnh.

Cụ thể, giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37% so tháng trước. Trong đó, rau củ quả tăng mạnh do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ giảm (bắp cải tăng 18,53%, su hào tăng 5,28%, đậu cô ve tăng 22,78%, rau muống tăng 5,38%, rau tươi khác tăng 5,63%).

Trong khi đó, giá thịt các loại có xu hướng giảm (thịt heo giảm 1,92%; thịt bò giảm 0,75%), giá các loại trứng tăng 2,36%-3,41%, giá nhiều mặt hàng thủy hải sản đa số tăng 6%-20% vì lượng thủy hải sản tươi về chợ bình quân giảm 10% so tháng trước.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, tham gia cung ứng thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, các doanh nghiệp chiếm 30% - 40% thị phần; thương nhân các chợ đầu mối (mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% -70% thị phần.Còn lại các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất lương thực thực phẩm tự cung ứng tại các cửa hàng chiếm 10% - 20% thị phần.

 

Về các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM hiện có 2.833 tổng điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn. Trong số này, 106 các siêu thị, 2.616 hệ thống cửa hàng tiện lợi, và 111 hệ thống các chợ truyền thống.

Nhìn chung, các kênh chợ đầu mối và chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động. Người dân tập trung mua lương thực, thực phẩm từ hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi. Do phải đáp ứng điều kiện giãn cách, cấm tụ tập đông người nên người dân vẫn phải xếp hàng lâu mới mua được hàng hóa thiết yếu.

Để thực hiện công tác phòng, chống dịch, trong trường hợp cần điều chuyển hàng hóa bằng các kênh giao dịch phù hợp, nhằm đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt đến với người tiêu dùng trên địa bàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo chuyển dịch năng lực cung ứng theo hướng giảm thị phần của các chợ đầu mối, tăng năng lực thị phần của các doanh nghiệp thương mại.

Cụ thể: các chợ đầu mối (mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 25%-30% thị phần. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác chiếm 20% - 30% thị phần. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường đẩy mạnh sản xuất, tăng cường dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa tăng 50%.

Vấn đề đáng lưu tâm nhất là lưu thông hàng hóa. Các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt nên tăng chi phí vận chuyển.

Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly nên đã khiến các thương lái tại các tỉnh lo ngại khi vào địa bàn tỉnh để thu mua nông sản. Container vận chuyển khan hiếm, giá thành vận chuyển cao do nhiều lái xe lo ngại việc phải thực hiện cách ly thời gian dài sau khi từ vùng có dịch trở về.

NĂM YẾU TỐ ĐẢM BẢO CHUỖI CUNG ỨNG NÔNG SẢN KHÔNG BỊ ĐỨT GẪY

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh năm việc cần làm ngay của các tỉnh thành phía Nam để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gẫy.

Một là, cần theo dõi dự báo tình hình nguồn cung từ nay đến cuối năm. Các tỉnh có hai nhiệm vụ để cung ứng sản xuất: phải đảm bảo cung ứng cho địa bàn, thứ hai là tiếp tục hỗ trợ cho TP.HCM.

Hai là, các tỉnh cần báo cáo tổ công tác tình hình cơ sở sản xuất giết mổ, vì nếu một cơ sở chế biến giết mổ có nhân viên dính Covid-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng,

Ba là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, vậy thì các tỉnh không những phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ mà còn cần tập trung vào vật tư để sản xuất.

Bốn là, các tỉnh nên phối hợp với Bộ Công Thương để củng cố tình hình phát triển chuỗi cung ứng nông sản. Nên hình thành chuỗi thể hiện vai trò của Nhà nước.

Năm là, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất và lưu thông đang thiếu hụt, cần phải tháo gỡ sớm.

Trước đó, ngày 18/7/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký Quyết định số 3149/QĐ-BNN-VP thành lập Tổ công tác gồm 14 thành viên nhằm chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản. Tổ trưởng Tổ công tác này là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là giúp Bộ trưởng chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể là, phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và các địa phương có liên quan thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách do dịch Covid-19.

Cùng với đó, phải chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19.

Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy cung ứng, tiêu thụ nông sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của các địa phương thuộc tâm dịch Covid-19. Nghiên cứu, đề xuất báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền.