Cuộc chuyển giao quyền lực nội bộ của đế chế thời trang Prada
CEO Prada, ông Patrizio Bertelli thể hiện rõ dự định đưa con trai Lorenzo vào phụ trách hãng thời trang Italy trong vòng ba năm tới, nhằm mục đích giữ công việc kinh doanh dưới sự kiểm soát của gia đình…
Những thương hiệu thời trang được vận hành với mô hình gia đình trị luôn đề cao sự quan trọng của việc kế thừa, để kéo dài truyền thống. Từ tập đoàn LVMH đến Salvatore Ferragamo và Ermenegildo Zegna, những thế hệ tiếp nối đã bắt đầu được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng.
Tại tập đoàn Prada, gương mặt được chú ý gần đây là anh Lorenzo Bertelli, con trai cả của bà Miuccia Prada và chồng Patrizio Bertelli. Hai vợ chồng đứng đầu đế chế Prada vốn kín tiếng về việc kế thừa của gia đình, nhiều tin đồn hành lang cho rằng họ sẽ bán tập đoàn Prada cho một đối thủ cạnh tranh. Giờ đây, việc công khai đưa con trai vào vị trí phát triển tập đoàn sẽ giúp ngăn chặn những tin đồn ác ý này.
"Lorenzo rất chín chắn," tỷ phú Patrizio Bertelli nói về con trai 33 tuổi trong cuộc phỏng vấn tại khu phức hợp Prada Foundation ở Milan hôm 17/11. Ông Bertelli cho biết dự định để Lorenzo nắm quyền điều hành hãng thời trang do ông và vợ Miuccia cùng phát triển từ những năm 1970 đến nay.
Cái tên Lorenzo Bertelli chỉ được giới thời trang biết đến năm 2017 khi anh bắt đầu tham gia vào việc kinh doanh của gia đình. Hồi tháng 05/2021, Lorenzo Bertelli chính thức trở thành một thành viên của Hội đồng quản trị. Anh cũng được giao nhiệm vụ trẻ hóa tập đoàn, lãnh đạo các chiến lược phát triển được cho là quan trọng cho tương lai Prada.
Lorenzo Bertelli bắt đầu ở vị trí giám đốc truyền thông và quảng cáo của tập đoàn. Hai năm sau, anh nhận thêm nhiệm vụ lãnh đạo mảng phát triển vì xã hội, môi trường và cộng đồng. Như vậy, anh chịu trách nhiệm không chỉ cho thương hiệu Prada, mà còn cho cả những thương hiệu khác như Miu Miu, Car Shoes, và Church’s.
Xuất thân là một cựu tay đua xe địa hình với ít kinh nghiệm kinh doanh, nhưng Lorenzo Bertelli đã thúc đẩy thương mại điện tử và xây dựng một kế hoạch thương hiệu bền vững. Ngày nay, người dùng khắp thế giới có thể nhận thấy sự "thay da đổi thịt" của thương hiệu Prada qua các kế hoạch đầu tư số và tập trung vào các loại vải thân thiện với môi trường.
Tính đến giữa năm 2021, doanh thu của tập đoàn Prada đã khôi phục, trở về mức trước khi đại dịch ập đến. Doanh số đến từ kênh online tăng trưởng gấp ba lần. Ngoài ra, một trong những dự án đầu tiên Lorenzo thực hiện khi đến với tập đoàn là áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu của Adobe cho các kênh bán hàng cũng như mạng xã hội. Công nghệ Adobe giúp tập đoàn Prada hiểu rõ hơn về nhu cầu của người dùng, để cải thiện trải nghiệm người dùng và sản phẩm.
Bloomberg nhận định kế hoạch kế vị trên là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy gia đình Bertelli có ý định tiếp tục nắm quyền điều hành tập đoàn thời trang hàng đầu Italy. Trong cuộc phỏng vấn, tỷ phú Bertelli cho biết Prada không có ý định liên kết với bất kỳ tập đoàn xa xỉ nào trên toàn cầu và công ty không tìm kiếm nhà đầu tư vì không cần thêm vốn. Prada Holding của gia đình ông sở hữu khoảng 80% cổ phần Prada được niêm yết tại Hong Kong.
Ông chủ Prada (75 tuổi) cho biết việc nhượng lại quyền kiểm soát công ty cho người ngoài không phù hợp tiêu chí của ông. "Tôi luôn quan tâm đến việc mua chứ không bao giờ bán. Tôi vẫn còn giữ chiếc Vespa Primavera, những chiếc xe máy Honda của mình, tất cả. Tôi không phải là người bán bất cứ thứ gì đã có".
Tỷ phú Bertelli cho biết Prada - công ty có 20 trong số 23 cơ sở sản xuất tại Italy - có thể trở thành tập hợp công ty sản xuất và dệt may độc lập của nước này. Và kế hoạch mở rộng sản xuất đó sẽ thuộc về Lorenzo.
Trong khi những gã khổng lồ như Tập đoàn xa xỉ LVMH của Pháp tìm cách thâu tóm các thương hiệu thời trang của nhiều quốc gia, một số hãng thời trang Italy như Prada chọn bước đi độc lập, không phụ thuộc vào các ông lớn khác. Hồi tháng 9, Armani cho biết sự độc lập là điều cần thiết với thương hiệu. CEO Dolce & Gabbana Srl - Alfonso Dolce - tháng trước cũng cho biết công ty sẽ đứng độc lập để duy trì quyền tự do sáng tạo.
Với Prada, cách duy trì quyền kiểm soát của gia đình là để bảo vệ hãng thời trang do ông nội bà Miuccia Prada thành lập năm 1913 với tư cách nhà sản xuất túi xách và phụ kiện du lịch có trụ sở tại Milan. Vợ chồng ông Bertelli và Miuccia Prada tiếp quản hoạt động kinh doanh của thương hiệu này và phát triển nó trở thành tập đoàn thời trang toàn cầu chỉ trong bốn thập kỷ.
Trên thực tế, xu hướng "cha truyền con nối" đang trở nên phổ biến trong ngành thời trang, đặc biệt ở các tập đoàn lớn. Hồi đầu năm, tỷ phú Bernard Arnault cũng bổ nhiệm con trai 28 tuổi vào vị trí lãnh đạo hãng trang sức Mỹ Tiffany cho thấy LVMH đang chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực nội bộ.
Với sự thăng tiến này, Alexandra Arnault trở thành ứng cử viên sáng giá trong "cuộc đua" thừa kế đế chế LVHM. Hiện, bốn trong số năm người con của tỷ phú Bernard Arnault đang giữ các vị trí khác nhau trong tập đoàn. Frededic Arnault quản lý hãng đồng hồ Tag Heuer, Delphine là phó chủ tịch điều hành Louis Vuitton còn Antoine quản lý hãng giày Berluti và phụ trách giám sát truyền thông của LVMH.
Theo Bloomberg, để con cái tiếp quản đế chế kinh doanh gia đình là điều phổ biến trong các gia đình tài phiệt châu Âu. Trong ngành thời trang, tỷ phú Francois Pinault - nhà sáng lập thương hiệu Kering SA – cũng trao lại quyền lực cho con trai Francois-Henri. Doanh nhân 58 tuổi giữ chức chủ tịch và giám đốc điều hành tập đoàn từ năm 2005.
Giới chuyên môn cho rằng những "cậu ấm cô chiêu" của các gia đình giàu có là người hiểu xu hướng thời trang cao cấp của giới trẻ nhất. Hội "rich kids" tài năng không chỉ thấm nhuần truyền thống gia tộc mà còn hiểu rõ hành vi tiêu dùng của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, kiến thức về kỹ thuật số của họ hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số thời trang cao cấp.