11:27 06/07/2022

Cuộc đua tăng lãi suất có thể “nóng” hơn vào cuối năm?

Các công ty chứng khoán dự báo sau đợt mở thêm "room" tín dụng cho các ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất huy động sẽ được nâng cao thêm...

Số liệu mới cập nhật từ Tổng cục thống kê cho thấy, tính đến ngày 20/6, và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 8,51% (so với mức 5,47% vào 2021), cung tiền M2 tăng 3,3% (so với 3,48% vào 2021) và huy động vốn tăng 3,97% (so với 3,13% vào 2021).

Như vậy, chưa đầy 6 tháng đầu năm, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 888 nghìn tỷ đồng, trong khi đó chỉ có 434 nghìn tỷ được huy động thêm từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian qua.

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức trung bình tăng từ 0,3-1,0 điểm điểm phần trăm, chủ yếu vào giai đoạn cuối quý 1 và đầu quý 2.

Thậm chí, mới đây, hai ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chi phối là BIDV và Agribank vừa qua cũng đã tăng 0,1 điểm phần trăm cho kỳ hạn trên 12 tháng.

Trong nửa cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

“Tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 15-16%, và mức tăng trưởng này là tăng trưởng danh nghĩa, thường có xu hướng cao hơn bình thường trong bối cảnh lạm phát. Áp lực tăng lãi suất huy động sẽ rơi về cuối năm, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10”, nhóm nghiên cứu tại SSI dự báo.

Tương tự, Công ty Chứng khoán VnDirect nhìn nhận, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý 3/2022 vì nhu cầu huy động vốn thấp do nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, đà tăng này có thể tăng tốc trở lại trong quý 4/2022 sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

“Lãi suất huy động dự báo có thể tiếp tục tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2022. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức khoảng 5,9-6,1%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022, mức này vẫn thấp hơn so với mặt bằng trước đại dịch là khoảng 7%/năm”, VnDirect nêu quan điểm.

Cuộc đua tăng lãi suất có thể “nóng” hơn vào cuối năm? - Ảnh 1

Do đó, VnDirect cho rằng, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp với lượng “tiền mặt” lớn có thể được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng. Bởi lẽ, các doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt ròng và các doanh nghiệp có tỷ lệ tiền mặt ròng cao (bao gồm tiền mặt cộng với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trừ đi nợ ngắn hạn và dài hạn) có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi lãi suất tăng và thậm chí được hưởng lợi từ lãi tiền gửi tăng.

Nhìn chung, VnDirect đánh giá, lĩnh vực ngân hàng là đại diện tốt nhất cho sự hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam.

Trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ việc Chính phủ triển khai gói bù lãi suất với tổng giá trị 43.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng nợ) trong hai năm 2022-2023. Điều này giúp các ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và giảm bớt việc phải cắt giảm một phần lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp như giai đoạn 2020-2021 vừa qua.

Về dài hạn, lãi suất cho vay tăng sẽ bù đắp cho lãi suất huy động tăng và giúp ngành ngân hàng cải thiện hệ số NIM và khả năng sinh lời. Cụ thể, gói cấp bù lãi suất dự báo có thể giảm lãi suất cho vay trung bình từ 0,2 đến 0,4 điểm % vào năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói bù lãi suất với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể giảm bớt nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.