Đã hoàn tất thủ tục giải ngân vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng để “giải cứu” Vietnam Airlines
Thông tin được lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết tại buổi tổng kết năm 2021 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang diễn ra chiều nay, 8/1/2022...
Lãnh đạo SCIC cho biết, về đầu tư mua cổ phần tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines, trong quá đầu tư của SCIC vào Vietnam Airlines được thực hiện chủ động với ý thức chính trị cao của toàn hệ thống SCIC. Việc đánh giá cơ hội đầu tư một cách chuẩn mực, bài bản, ra quyết định đầu tư nhanh đảm bảo thời hạn theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhu cầu dòng tiền của Vietnam Airlines.
SCIC đã chủ động nghiên cứu và sớm có những đề xuất nhằm đảm bảo việc thực hiện đầu tư vào Vietnam Airlines tuân thủ các quy định của pháp luật. Tháng 5/2020, SCIC đã có các báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án đầu tư vào Vietnam Airlines. SCIC đã có 11 văn bản báo cáo Ủy ban trong quá trình xây dựng và đề xuất phương án đầu tư.
Lãnh đạo SCIC cũng cho biết, quy trình đánh giá đầu tư của SCIC được thực hiện theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế về đầu tư mua bán sáp nhập doanh nghiệp: triển khai nghiên cứu đầu tư, SCIC đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với VNA, ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá (Công ty Thẩm định giá AASC), tư vấn rà soát pháp lý (Công ty Luật YKVN) và thực hiện quy trình đấu thầu lựa chọn tư vấn rà soát đặc biệt về thương mại và tài chính.
“SCIC quyết liệt, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ giải cứu Vietnam Airlines. Theo đó, giá trị cổ phần VNA được xác định theo tiêu chuẩn thẩm định giá thấp hơn so với mức giá VNA dự kiến phát hành; đơn vị kiểm toán độc lập (Deloitte) đã có ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines; Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa cổ phiếu HVN vào diện cảnh báo; Vietnam AirlinesA chưa có đề án tái cơ cấu tổng thể... khoản đầu tư vào Vietnam Airlines không đáp ứng tiêu chí đầu tư hiệu quả của SCIC”, lãnh đạo SCIC cho biết.
Hiện nay, SCIC đã hoàn tất thủ tục giải ngân vốn đầu tư (6.895 tỷ đồng) vào Vietnam Airlines và tiếp tục phối hợp với VietnamAirline để hoàn thiện Đề án tái cơ cấu tổng thể của VNA báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 của Vietnam Airlines cho biết, doanh thu thuần quý 3 của Vietnam Airlines chỉ đạt hơn 4.735 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận gộp bị lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.460 tỷ đồng, phần lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là -3.369 tỷ đồng.
Trong báo cáo giải trình, Vietnam Airlines cho biết, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lỗ gần 2.773 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ (-2.466 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietnam Airlines lỗ 3.531 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ (-3.017 tỷ đồng) là do đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trong thời gian cao điểm hè đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty.