16:53 06/11/2015

Đại biểu lo tội phạm tham nhũng được quyền im lặng

Nguyễn Lê

Tiếp tục tranh luận về quyền im lặng và bắt buộc ghi âm ghi hình khi sửa Bộ luật Tố tụng hình sự

Đại biểu Phạm Trường Dân đề nghị không quy định quyền im lặng như một quyền độc lập<br>
Đại biểu Phạm Trường Dân đề nghị không quy định quyền im lặng như một quyền độc lập<br>
“Nếu là tội phạm tham nhũng mà im lặng thì làm sao kịp thời thu thập chứng cứ, truy thu tài sản cho Nhà nước?”, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) góp ý về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sáng 6/11 tại Quốc hội.

Không buộc phải nhận mình có tội

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, theo đó người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định rõ hơn quyền khai báo, trình bày ý kiến của người bị buộc tội như quy định tại công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam tham gia năm 1982 là cần thiết.

Và dự thảo mới nhất quy định như sau: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Quy định này, theo đại biểu Phạm Trường Dân, thực chất là quyền im lặng. Ông Dân cho rằng cần cân nhắc không quy định như một quyền độc lập.

Bởi, nếu quy định như dự thảo là "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận mình có tội" thì trong thực tiễn sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

“Đấu tranh đối với các vụ án, đặc biệt nghiêm trọng như âm mưu lật đổ chính quyền, khủng bố, bạo loạn, nếu kẻ cầm đầu bị bắt mà im lặng thì làm sao tháo kịp ngòi nổ, truy bắt đồng phạm, thu hồi vũ khí, ngăn chặn hậu quả? Nếu là tội phạm tham nhũng mà im lặng thì làm sao kịp thời thu thập chứng cứ, truy thu tài sản cho Nhà nước. Nếu là tội phạm giết người, cướp của mà im lặng thì làm sao truy tìm tang vật vụ án đồng phạm để giải quyết kịp thời vụ án, đem lại sự bình yên cho nhân dân?”, ông Dân đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Một số vị khác cũng cho rằng cần cân nhắc vì nếu bị can không khai nhận thì rất khó khăn cho công tác phá án.

Vẫn băn khoăn bắt buộc ghi âm ghi hình

Một trong những nội dung được nhắc đến ở hầu hết các ý kiến là quy định về bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can.

Cân nhắc nhiều quan điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại dự thảo luật là: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số điều tra phải được ghi âm, ghi hình.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng; trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung.

 Chính phủ chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, việc bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử".

Người đầu tiên cho rằng chưa cần thiết phải ghi âm ghi hình vẫn là đại biểu Dân.

“Hàng năm cơ quan điều tra phải thụ lý khoảng 100 nghìn vụ án hình sự với khoảng 150.000-160.000 bị can, nếu thực hiện thì khoản kinh phí trang bị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể phải đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất cho việc lắp ráp thiết bị phục vụ cho công tác ghi âm, ghi hình…”, đại biểu Dân phân tích như vậy.

Nhưng, theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Tp.HCM) thì quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình là do chính Bộ Công an đề xuất, cho nên có cơ sở để thực hiện.

Cơ bản đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song nhiều ý kiến đại biểu vẫn phân vân về cách thức thực thi và cho rằng mọi trường hợp đều bắt buộc thì không cần thiết. Mà chỉ nên áp dụng với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan bị can có đơn tố cáo bức cung, nhục hình, bị can bị điều tra truy tố về tội có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình.