Đại dịch Covid khiến doanh thu bưu chính quý 3 tuột dốc
Doanh thu bưu chính ước quý 3/2021 đạt 5.000 tỷ, giảm 50% so với quý 2/2021, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt khoảng 25.000, giảm 3%...
Số liệu trên vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra trong báo cáo dự thảo báo cáo đánh giá công tác quản lý nhà nước quý 3 và nhiệm vụ quý 4/2021.
Báo cáo cho biết, số doanh nghiệp bưu chính lũy kế đến 16/9/2021 là 650 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp (11% so với 31/12/2021). Doanh thu bưu chính ước quý 3 đạt 5.000 tỷ (giảm 50% so với quý 2/2021), lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt khoảng 25.000 (giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái).
Sản lượng bưu gửi quý 3 ước 158 triệu (giảm 50% so với quý 2/2021), lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 790 triệu bưu gửi (tương đương cùng kỳ). Báo cáo cũng cho biết số liệu chính thức từ thị trường sẽ được doanh nghiệp bưu chính báo cáo chậm nhất 15/10 theo quy định tại Thông tư số 10/2018/TT-BTTTT.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo phản ánh của một số doanh nghiệp bưu chính lớn, quý 3/2021 mà đặc biệt là tháng 7-8, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp bưu chính gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động đặc biệt là tại TP Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ.
Cụ thể, xe tải tại các chốt vào tỉnh bị chặn lại gây ùn tắc ảnh hưởng tới thời gian toàn trình của bưu gửi; chính quyền cấp xã tại một số quận/huyện gây khó khăn cho bưu tá/shippers khi đi qua các chốt kiểm soát; các bưu cục/kho hàng trong khu vực cách ly, phong tỏa bị buộc phải đóng cửa; lực lượng bưu tá/shippers giảm sút do thuộc đối tượng F0, 1, 2 hoặc do sinh sống trong khu cách ly.
Bên cạnh đó việc tuyển dụng mới để bù số thiếu hụt không khả thi do không được cấp mã QR để hoạt động. Lực lượng lao động bị cắt giảm theo yêu cầu của chính quyền địa phương khiến các doanh nghiệp bưu chính thiếu nguồn lực để khai thác, hoạt động (đa phần các doanh nghiệp chỉ được bố trí khoảng 20% lao động ở TP.HCM hoặc 50% ở Hà Nội).
Mặt khác, chi phí xét nghiệm PCR cho bưu tá/shipper khi đi giao nhận, chuyển phát hàng đã phát sinh chi phí lớn và tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp bưu chính.
Báo cáo của bộ này cho biết, qua nắm bắt thông tin, doanh số các doanh nghiệp bưu chính tháng 8 giảm ước trên 40% so với tháng 7 (Viettel Post/GHTK/GHN&AhaMove giảm 40%, Thuận Phong J&T giảm 50%, Ninsing NinjaVan giảm 60%...); mức giảm có chậm lại trong Tháng 9 so với tháng 8 (GHTK giảm 5%, GHN/J&T giảm 25-30% ...), riêng Viettel Post tăng 20% so với tháng 8 nhưng cũng chỉ đạt 50% so với cùng kỳ.
Về định hướng trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, giai đoạn cuối năm là thời gian cao điểm hoạt động hiệu quả của lĩnh vực bưu chính, thương mại điệnt tử, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, cuộc sống trở lại bình thường thì có thể dự báo kết quả hoạt động của lĩnh vực bưu chính sẽ đạt bằng năm 2020.