Đầu tư xanh: Cách tiếp cận mới để phát triển bền vững
Các nguồn vốn xanh sẽ khuyến khích doanh nghiệp coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường hơn, mang lại cơ hội sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Đây cũng là đòn bẩy nguồn lực quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường của nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp…
Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” (diễn ra tại 03 miền Bắc - Trung – Nam) được tiếp tục tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh sáng 26/11/2024. Hội thảo do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy– Vietnam Economic Times và các cơ quan tổ chức.
Nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam và một số quốc gia trong ASEAN đang tăng nhanh từ năm 2016 đến nay. Vào năm 2021, ngoại trừ Singapore vẫn dẫn đầu khi dành tới hơn 13 tỷ USD tín dụng xanh, Việt Nam cũng đạt khoảng 02 tỷ USD bằng với Malaysia, Thái Lan hơn 4 tỷ USD. Philipines lại giảm so với các năm trước đó còn hơn 01 tỷ USD.
XANH HÓA GIÚP KHÔI PHỤC HỆ SINH THÁI
Đặt vấn đề về việc tại sao phải chuyển đổi xanh, phải tìm cách tiếp cận mới trong phát triển kinh tế- xã hội để giảm biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nhiều và bất lợi, khó đoán hiện nay, trong bài tham luận có chủ đề: “Xu hướng đầu tư xanh cho phát triển bền vững trên thế giới và Việt Nam", TS Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban kinh tế và Tài nguyên Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng nhìn từ những thực tế chúng ta có thể quan sát thấy khi đang dạng sinh học ngày càng suy giảm, chất thải phát sinh ngày càng tăng, tài nguyên ngày càng cạn kiệt…
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 đã xảy ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung nguyên, nhiên liệu… Những yếu tố trên đã dẫn tới giảm việc làm trên toàn thế giới, thậm chí có cả những xung đột đã xuất hiện… Những cuộc khủng hoảng này nhân loại đang phải đối mặt trong thế kỷ 21 và cần phải giải quyết.
Do đó, tại hội nghị COP26 đã tập hợp hơn 400 định chế tài chính quốc tế, nắm giữ khoảng 130.000 tỷ USD tổng tài sản tài chính thế giới, đã cùng cam kết có những chính sách tài trợ cho câu chuyện xanh và phát triển bền vững.
Trong đó, nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận khu vực, toàn cầu lồng ghép kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… cũng như quyết tâm của các Chính phủ để thay đổi nhận thức và hành vi của người sản xuất về xanh hóa sản xuất, kinh doanh.
Gần đây, Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra các nội dung về phát triển xanh, đó là giảm thiểu biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững và bảo tồn tài nguyên nước, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, xử lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Trong khi khu vực ASEAN cũng đang tích vực với bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy khả năng phục hồi tài nguyên trong quá trình chuyển đổi xanh.
Việt Nam cũng cam kết giảm phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, quản lý nước hiêu quả và xử lý nước thải, quản lý chất thải và ứng dụng kinh tế tuần hoàn, khôi phục hệ sinh thái và sử dụng hiệu quả tài nguyên… Các lĩnh vực đang triển khai phát triển xanh, gồm: giao thông, năng lượng tái tạo, sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, lĩnh vực tiêu dùng chưa thực hiện chuyển đổi xanh mạnh mẽ.
Để phát triển xanh, tăng trưởng xanh thực sự lan rộng và hiệu quả hơn, theo TS Lại Văn Mạnh, đầu tư công của Chính phủ trong vấn đề xanh hóa là quan trọng và dẫn dắt xu hướng, vì đó là các công trình, dự án lớn.
Theo sau là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia kinh tế tuần hoàn, cùng phát triển xanh để tăng thu nhập bền vững, khôi phục hồi hệ sinh thái, phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Báo cáo thị trường tài chính bền vững ASEAN– CBI tháng 6/2022 cho thấy Singapore là quốc gia tích cực nhất trong phát triển xanh với tỷ lệ chuyển đổi xanh trong lĩnh vực tòa nhà chiếm chủ yếu, tiếp đến là xử lý chất thải.
Đối với Việt Nam và Thái Lan, Maylaysia, Philipines, Indonesia thì chuyển đổi xanh mới chỉ bắt đầu trong lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ lệ 45-65% trong cơ cấu tín dụng xanh dành cho chuyển đổi xanh. Riêng Việt Nam và Thái Lan cũng đang tập trung vốn cho chuyển đổi xanh ở lĩnh vực giao thông và chất thải.
NHIỀU MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN XANH TẠI VIỆT NAM
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hướng tới mục tiêu Net Zero năm 2050. Trong đó, Việt Nam đang trong hành trình chuyển đổi AI, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, toàn diện trong sản xuất hang hoá, hang hoá xuất khẩu. Các lĩnh vực đang tiến tới Net zero, như giao thông, du lịch và chuẩn bị nguồn nhân lực cho kinh tế xanh.
Theo đó, hành lang phát luật với hàng loạt quy định về phát triển xanh được nghiên cứu, ban hành và dần hoàn thiện
Cụ thể, Nghị quyết 29-NQ/TW đã nhấn mạnh việc phát triển mạnh tài chính xanh, tín dụng xanh. Chỉ thị 36/1998/CT-TW Ban hành các chính sách về thuế, tín dụng nhằm khuyến khích áp dụng các công nghệ sạch.
Đặc biệt, trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng 2025, định hướng 2030 xác định việc thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thông tin về những tín hiệu đầu tư xanh, TS Mạnh cho biết trong quy hoạch điện VIII đến năm 2030, tỷ lệ đóng góp của các nguồn năng lượng xanh chiếm 51,9%, cụ thể: điện gió (18,5%), năng lượng mặt trời (14,9%), ngoài ra nhiệt điện khí (9.9%) và nhiệt điện LNG (khí hóa lỏng) chiếm 8,5%.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo“4 đúng,” giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật, như: "3 giảm 3 tăng," "1 phải 5 giảm," kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi...
Lĩnh vực giao thông, nhiều sáng kiến về “xanh hóa” giao thông đã và đang được các tỉnh, thành triển khai tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại các thành phố lớn như việc vận hành các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống xe bus nhanh, mini bus, xe buýt chạy điện.
Một số mô hình tiêu biểu tại các địa điểm du lịch nổi tiếng có thể kể đến: Mô hình “Trạm đong đầy” tại Hội An giúp mua sắm không phát sinh bao bì, gia tăng vòng đời của bao bì, đặt biệt là rác thải nhựa;
Đề án huyện Cô Tô không có rác thải nhựa, Đề án Phân loại rác thải tại nguồn, Đề án Hạn chế sử dụng túi nilon của huyện đảo Cô Tô; chương trình phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn hệ sinh thái biển của thành phố Nha Trang, hỗ trợ cộng đồng nghề cá, giúp người dân địa phương hiểu rõ về tầm quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái biển, khai thác tài nguyên biển bền vững và tham gia phát triển du lịch...
NHU CẦU NGUỒN VỐN XANH, THU HÚT ĐẦU TƯ XANH
Để triển khai thành công ESG, Việt Nam sẽ cần thêm 368 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040 để tài trợ cho các sáng kiến của mình. Chỉ riêng vốn công sẽ không đủ nên cần thu hút cả vốn tư nhân.
Theo TS Mạnh, nguồn vốn xanh mà Việt Nam ưu tiên dành cho phát triển xanh đang ngày càng tăng nhanh. Tính đến 30/9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh, với dư nợ đạt trên 665 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).
TS: Lại Văn Mạnh: "Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư tài chính xanh cần quyết tâm chính trị, cam kết và hành động của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương. Khung khổ chính sách, pháp luật về đầu tư xanh, tài chính xanh dần được hoàn thiện và tiệm cận với thông lệ quốc tế".
Tuy nhiên, lĩnh vực trái phiếu xanh của của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn khi chỉ đạt 75-250 triệu USD so với quy mô khu vực ASEAN +3 là 200-250 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2023.
Dù vậy, “cuộc chơi” đang nóng dần với các hoạt động phát hành trái phiếu xanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam gần đây khi năm 2024 có 04 lô trái phiếu xanh được phát hành, tổng giá trị 6,87 tỷ đồng.
Do đó, Việt Nam cần thiết lập và thực thi đúng khuôn khổ pháp luật để thu hút đầu tư xanh, tạo điều kiện cho việc hình thành tài chính dự án của các công ty và giúp việc vay vốn từ các ngân hàng dễ dàng hơn.
TS. Mạnh cho rằng đầu tư vào phát triển xanh có thời gian hoàn vốn chậm hơn. Bên cạnh đó, chưa có đúc kết thực tế từ quá trình phát triển này. Vì vậy, TS Mạnh kiến nghị sớm cho phép thử nghiệm cơ chế, chính sách mới, đột phá cho tín dụng xanh, trái phiếu xanh…
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết lập cơ chế tổ chức, phối hợp liên ngành. Đặc biệt, ban hành các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, trong đó công tác thông tin, truyền thông về tăng trưởng xanh cần rộng rãi và liên tục hơn…
Lĩnh vực công nghệ đã chuyển hướng cho ra đời các sản phẩm thiết bị phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường (điện toán đám mây, công nghệ chế tạo tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ thiết kế mô-đun…).