15:56 29/07/2024

Để sản phẩm xanh đồng hành cùng tiêu dùng bền vững

Tuệ Mỹ

Hệ thống bán lẻ hiện đại là kênh phân phối thu hút một lượng lớn người tiêu dùng đến mua sắm hàng ngày. Để hàng hóa vào được các hệ thống này, bên cạnh đạt tiêu chuẩn theo quy định, doanh nghiệp phải có các sản phẩm xanh, hướng tới tiêu dùng bền vững...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 01/7/2024 đã bổ sung quy định, chính sách về thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, ban hành khái niệm tiêu dùng bền vững và xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương trong việc tham gia thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững nói riêng và phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam nói chung.

ĐƯA SẢN PHẨM XANH VÀO HỆ THỐNG SIÊU THỊ

Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn và coi như một tiêu chuẩn cho chất lượng cao. Đơn cử như Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn đang có các dòng sản phẩm dầu gội từ thiên nhiên như dầu gội bồ kết, dầu gội tinh dầu bưởi, hà thủ ô… đang được bán rộng rãi ở nhiều kênh siêu thị. Ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc marketing công ty, cho biết từ thành phần nguyên liệu đến quy trình sản xuất, các dòng sản phẩm chăm sóc cá nhân thế hệ mới đều hướng tới tính chất điều trị bền vững để đáp ứng xu hướng tiêu dùng.

Hay như Công ty TNHH New Toyo Pulppy đang có các sản phẩm giấy lụa cuộn, giấy lụa hộp, khăn giấy lụa thương hiệu Pulppy/An An được cung cấp cho các hệ thống siêu thị lớn, nhỏ trên cả nước. Doanh nghiệp đã đầu tư cho hệ thống năng lượng mặt trời ở nhà máy và khối văn phòng, đồng thời đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Một yếu tố quan trọng khác, giấy là sản phẩm có đặc thù sử dụng nguyên liệu từ gỗ nên yêu cầu đặt ra là các loại giấy mang thương hiệu Pulppy/An An đều đạt chứng chỉ FSC (đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững).

Các sản phẩm thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm chất lượng cao.
Các sản phẩm thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm chất lượng cao.

Tuy nhiên, tại chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa Đắk Lắk và TP.HCM mới đây, nhiều doanh nghiệp cho biết việc đưa hàng vào siêu thị còn nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty Vương Thành Công, cho biết doanh nghiệp chuyên sản xuất cà phê hữu cơ cho biết:  “Hầu hết nhà sản xuất tại các tỉnh đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu về vốn nhưng siêu thị lại chậm thanh toán đơn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, không có vốn để tiếp tục sản xuất", ông Vương nói.

Ông Hoàng Doanh Hữu, nhà sáng lập Miss Ede chuyên về cà phê Đắk Lắk, cho biết ông đã thuyết phục được hệ thống Lotte Mart về giá trị bản sắc, văn hóa của sản phẩm địa phương, điều mà các nhãn hàng sản xuất hàng loạt không có. "Các doanh nghiệp sản xuất nên có góc nhìn mới, tiếp cận siêu thị ở phương diện phục vụ nhu cầu của nhà mua, đó là tìm kiếm sản phẩm khác biệt và gia tăng lợi nhuận ở các sản phẩm phổ thông," ông Hữu nói. "Và mong rằng các nhà bán hàng sẽ mở lòng hơn với doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi".

Về phía nhà phân phối, dù cam kết hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nhiều siêu thị cũng thẳng thắn cho rằng doanh nghiệp địa phương vẫn chưa chủ động, còn nhiều hạn chế. Đại diện MM Mega Market cho biết chất lượng sản phẩm của nông dân theo tư duy sản xuất nhỏ lẻ nên không đồng đều. Nông dân chưa quen đảm bảo chuẩn chất lượng, kích thước dành cho hàng siêu thị, do đó cần cải thiện chất lượng đồng nhất hơn. Phía Saigon Co.op thì đánh giá rằng nhiều nhà sản xuất chưa hiểu được cách thức vận hành của siêu thị như mua hàng, kinh doanh, giá, vận chuyển...

Để sản phẩm xanh đồng hành cùng tiêu dùng bền vững - Ảnh 1

GIẢM GÁNH NẶNG TÀI CHÍNH CHO DOANH NGHIỆP

Ngày 27/7 tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức Chương trình “Thúc đẩy sản xuất - Tiêu dùng bền vững 2024”. Phát biểu tại sự kiện, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KH,CN&MT) của Quốc hội, cho rằng đa số doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò của sản xuất bền vững đối với sự tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển lâu bền của chính mình.

“Các doanh nghiệp lưu thông, phân phối, đặc biệt là các chuỗi siêu thị, các đại siêu thị đã từng bước xanh hoá quy trình phân phối, giảm thiểu bao bì trung gian, giảm thiểu chất thải; sớm sử dụng, phân phối sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường… Tuy vậy, các hoạt động này chưa có tính bền vững. Việc sử dụng túi ni lông, bao bì khó phân huỷ vẫn còn phổ biển, chưa có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh; chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận các sản phẩm, bao bì thải bỏ để đem đi tái chế…”, ông Tạ Đình Thi cho hay.

Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm xanh vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân, trong khi đó các hành vi quảng cáo gian dối, lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao ngày càng phổ biến, gây e ngại, tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng, thói quen và ý thức tuần hoàn tài nguyên chưa được hình thành nên quá trình hình thành phong trào người tiêu dùng thông thái còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình tiêu dùng bền vững.

Các chuỗi siêu thị đã từng bước xanh hoá quy trình phân phối, giảm thiểu bao bì trung gian, giảm thiểu chất thải; sớm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường…
Các chuỗi siêu thị đã từng bước xanh hoá quy trình phân phối, giảm thiểu bao bì trung gian, giảm thiểu chất thải; sớm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường…

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh nhận định xu hướng tiêu dùng xanh là không thể cưỡng lại và doanh nghiệp muốn có chỗ đứng buộc phải đầu tư nhiều hơn cho quá trình sản xuất. “Nhưng thực tế cho thấy, thay đổi tư duy chỉ là điều kiện cần, quan trọng là có nguồn tài chính để đầu tư vào dây chuyền sản xuất làm ra các sản phẩm xanh. Do đó, cần giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và cung cấp động lực cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang sản xuất xanh như có thể xem xét hỗ trợ tài chính và chính sách; tăng cường thị trường và tiêu thụ...”, ông Mạc Quốc Anh đề xuất.

Còn ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dệt may Việt Nam, cho rằng sản phẩm xanh trong ngành dệt may đang là xu thế. Tuy nhiên, để chuyển đổi sang sản xuất xanh chắc chắc cần nguồn kinh phí lớn. Do đó, nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp thông qua lãi suất, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực xanh; đồng thời cũng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người tiêu dùng có thể nhận biết, phân biệt được sản phẩm xanh là thế nào và đâu là sản phẩm xanh…

Tại TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết cuối tháng 9 này, thành phố sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu lớn nhất từ trước đến nay. Mục tiêu hội nghị là kết nối nhà cung cấp tất cả địa phương với siêu thị lớn TP.HCM. TP.HCM kỳ vọng lần kết nối này mang hiệu quả do sẽ sớm lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các địa phương trước khi chương trình diễn ra.