Sẽ thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa các thời kỳ
Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh theo khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước; quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa các thời kỳ…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trong đó có nội dung về thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.
Theo đó, thực hiện điều chỉnh trợ cấp hưu trí xã hội theo khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước; lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ Bảo hiểm xã hội và ngân sách Nhà nước; quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 có nội dung về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, đã được thể chế hóa tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 của Chính phủ.
Theo đó, từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/2022.
Ngoài ra, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà có mức hưởng dưới 2,5 triệu đồng/tháng thì: Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngày 11/11/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, trong đó tại Khoản 1 Điều 3 có nội dung về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7/2023 như sau: Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Đồng thời tại Khoản 7 Điều 4 giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc thực hiện nội dung điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Như vậy, khi thể chế hóa nội dung tại Nghị quyết số 28/NQ-TW về việc quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ tại 2 Nghị quyết của Quốc hội đều tập trung điều chỉnh lương hưu đối với nhóm người hưởng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995.
Với thẩm quyền là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động, khi có văn bản của Chính phủ thể chế hóa Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội quy định cụ thể về đối tượng, thời điểm điều chỉnh và mức điều chỉnh, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện kịp thời bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu.
Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.
Về nguyên tắc bảo hiểm xã hội, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia. Mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận mới mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng, có nghĩa là mức đóng càng cao, thời gian đóng càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.